Ăn chén chè dừa nước ngọt lịm ngày mưa

11/12/2020 20:51 GMT+7

Chén chè ngọt lịm có thêm nước cốt dừa nên béo ngậy. Miếng cơm dừa khi ăn vào thì nghe sần sật. Hương vị vô cùng lạ miệng của chén chè dừa nước đã vô tình gợi nhớ nhiều kỷ niệm cho biết bao thế hệ của người miền Tây khi nhớ lại.

‘’Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/ Sau hàng dừa nước mái nhà ai” Mấy câu nói vang lên mà đã vẽ nên một khung cảnh xứ miệt vườn đầm ấm và đầy chất hào sảng của người sống ở trời Nam.
Nói như vậy để thấy rằng ở xứ miền Tây thì dừa nước mọc len lỏi ở khắp nơi. Từ thân đến lá thì người dân điều sử dụng kết hợp trong đời sống hàng ngày. Duy chỉ có trái dừa nước là chế biến nên món chè độc đáo mà hiếm nơi nào có được.
Những ngày trời nắng gay gắt rồi chợt hành những cơn mưa dài lê thê không dứt. Những lúc như thế mấy chị em trong nhà xúm lại rủ nhau chèo xuồng đi chặt dừa nước để về nấu chè ăn cho bớt buồn miệng.
Ăn chén chè dừa nước ngọt lịm ngày mưa1

Khoảng 4 buồng dừa nước mới cho ra 1kg cơm dừa

Dừa nước là loài mọc hoang. Buồng dừa nào sà xuống mấp mé con kênh là đủ tuổi để chặt mang về. Đi dọc theo mấy con kênh chặt đến mỏi tay mới nấu đủ một nồi chè. Dừa nước mang về đến nhà thì lấy con dao thật bén để chặt đôi mà tách lấy cơm dừa còn trắng ngà bên trong.
Nồi chè nấu từ lúc mưa rơi nhè nhẹ tới nằng nặng rồi tạnh luôn mà nấu mãi chưa xong. Nghe nói chè dừa nước tưởng dễ làm ai ngờ đâu rất nhiều công đoạn. Mà nguyên liệu thì rất nhiều để làm nên một chén chè thật ngon đúng điệu kiểu người miền Tây.
Trong một nồi chè ngoài nguyên liệu chính là cơm dừa nước thì còn có ít đậu ván và đậu trắng. Thường món chè miền Tây có cả mùi vani cùng ít bột khoai cho màu sắc điệu đà để chén chè nhìn trông bắt mắt. Ngoài ra còn có cả phổ tai kèm theo.
Tất cả nguyên liệu đầy đủ thì mang đậu đi ngâm trước trong khoảng nửa giờ rồi bỏ chút muối để nấu. Khi thấy đậu đã mềm và nở bồng thì trút ra rửa lại bằng nước lạnh để ráo. Phổ tai có vị mặn nên nhớ rửa cho nhiều nước sau đó cắt nhỏ để sang một bên.
Dừa khô lột vỏ rồi đập nhẹ theo chiều của khía. Nhớ là bịt con mắt trái dừa khô để đập cho dễ dàng. Bởi đó cũng chính là kinh nghiệm dân gian của người miền Tây được truyền lại.
Ăn chén chè dừa nước ngọt lịm ngày mưa2

Nhiều loại nguyên liệu phụ trợ để làm nên món chè dừa nước trở nên ngon miệng

Ăn chén chè dừa nước ngọt lịm ngày mưa3

Nước cốt dừa là loại nguyên liệu không thể thiếu

Nạo trái dừa khô để vắt lấy nước cốt. Chia ra làm hai chén nước cốt dừa. Một chén nước dão cho vào nấu trước. Chén nước cốt đậm đặc cho vào khi chè chín tới. Bởi nếu cho chén nước cốt đậm đặc vào trước, lúc còn đang nấu thì nồi chè sẽ bị nổi dầu mà mất ngon.
Dùng một cái nồi thật no để nấu cùng nước mưa cho đến khi thấy nghi ngút khói. Dừa nước được cho vào đầu tiên tiếp theo đó là bột khoai. Khi thấy hai nguyên liệu trên đã mềm thì cho phổ tai và đậu đã được nấu trước vào nồi. Cuối cùng là nước cốt dừa và cả đường phèn vào cùng một lượt.
Đường phèn nên cho cuối cùng vì đậu dù đã chín nhưng cứ để nấu cho thêm lửa. Bởi khi cho đường vào nếu đậu chưa chín sẽ bị sượng hạt đậu. Bỏ ít mùi vani kèm vài lá gừng tươi để khi ăn nghe được vị ấm làm dịu đi cái lạnh ngày mưa. Trong lúc cái chảo rang đậu phộng cũng nổ lốc bốc trên muối trắng mà nghe giòn giã.
Ăn chén chè dừa nước ngọt lịm ngày mưa4

Chè dừa nước ngon nhất khi được ăn khi vẫn còn nóng hổi

Chén chè dừa nước coi vậy chứ nấu phải qua nhiều công đoạn. Mà đến lúc thưởng thức mới thấy đáng đồng tiền bát gạo và công sức của mình bỏ ra. Chè nấu xong mà trời vẫn còn mưa hiu hắt. Chị em xúm lại múc chè ra từng chén nhỏ rồi rắc đậu phộng vàng ươm để bắt đầu cảm nhận.
Mùi vani tỏa khắp căn nhà. Hương gừng trở ấm làm lòng ai xao xuyến trong niềm hạnh phúc lâng lâng. Vị béo của nước cốt tràn ngập chảy len lỏi vào từng khứu giác. Còn miếng dừa nước thật đậm đà hương vị ngọt ngào của đường phèn, làm ai cũng thòm thèm không ngán mà ăn thêm chén nữa trong một chiều mưa xứ dừa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.