Âm nhạc từ đâu đến?

08/07/2023 18:00 GMT+7

Cả đời tôi cứ nghĩ mình biết câu trả lời này rồi, cho đến khi tôi gặp người đàn ông mù thổi sáo ngay ngã tư, giữa phố chiều lao xao...

Không có dàn giao hưởng làm nền, chỉ có những âm thanh phố xá. Tiếng còi xe tải như tiếng kèn tuba. Còi những chiếc xe khác thì từa tựa dàn trombone. Có tiếng chói sáng như tiếng trompete. Rồi bất chợt từ đâu người bán mì gõ ngang qua nghe như tiếng xylophone réo rắt. Cái nền bên dưới mênh mang bất tận là âm thanh của hàng ngàn chiếc xe máy, như một dàn dây với đủ cung bậc của double bass, cellos, violas, violins I & II. 

Âm nhạc từ đâu đến? - Ảnh 1.

Hãy quan tâm nhiều hơn tới tâm hồn bọn trẻ, vì đó là âm nhạc của ngày mai!

V.T.T

Vậy mà tiếng sáo của người đàn ông mù cứ lanh lảnh bay xa, đưa tôi về một miền quê nào đó, có cánh đồng lúa xanh rì, có mái tranh nghèo xơ xác, có bà mẹ quê với mái tóc bạc phơ, ngóng trông đàn con thơ ngày nào... Và rồi từ đâu trong cõi sâu thẳm tâm hồn, một tiếng nói vang lên: “Con đã biết âm nhạc là gì chưa?”.

Lần nào cũng vậy, nếu tôi bật cái chương I bản concerto số 2 cho piano của Rachmaninov mà không phải của Vladimir Ashkenazy chơi là tụi nhỏ nó phản ứng liền. Mà phải là dàn nhạc Moscow Philharmonic Symphony nữa. Chúng đã nghe rất nhiều người chơi cùng với nhiều dàn nhạc lừng danh. Nhưng cuối cùng chúng kết luận: "Con thấy người Nga cùng dàn nhạc Nga nghe là sướng nhất!". Cái mạnh mẽ cùng nỗi buồn sâu thẳm của tâm hồn Nga, chỉ có người Nga mới hiểu hết! 

Có thể mai này, tôi sẽ mô tả lại tiếng sáo của người đàn ông mù giữa phố chợ, bằng một nghệ sĩ sáo chuyên nghiệp hơn, cây sáo đắt tiền hơn, dàn nhạc hoành tráng hơn. Nhưng tôi không dám chắc sẽ đưa bạn về được cánh đồng xanh rì rào, mái nhà tranh xác xơ, cùng hình bóng mẹ già năm nào. Bởi vì âm nhạc không bắt nguồn từ những phương tiện đó. Nó từ một nơi không thể nắm lấy được hay sờ mó được. Nhưng đôi khi, người ta mô tả chúng ngốc nghếch như kiểu tách nó ra bằng một chiếc hộp ngủ, rồi đưa vào một thân xác mới như phim Avatar. Nếu thế thì các nhà Yogi cùng các thiền sư đã không đánh đổi cả đời, thậm chí nhiều kiếp sống để đi tìm nó. 

Chính cái bên trong người đàn ông mù mới có thể vẽ nên bức tranh quê của ông. Nơi ông phải nén nỗi buồn mà ra đi, đến chốn thành thị đầy bon chen để mưu sinh, bỏ lại phía phía sau một miền quê nghèo với mẹ già cô độc. Âm nhạc từ cái nơi sâu thẳm đó, nó bất chấp cái hình dáng gầy gò khắc khổ, nó không câu nệ cái ống sáo chỉ đáng dăm ba xu, nó tát vào cái bản ngã cùng sự kiêu hãnh ngu ngốc của tôi, những quan niệm lệch lạc từ bấy lâu nay của tôi, rằng chỉ có những dàn nhạc hoành tráng, ca sĩ ngôi sao, nhạc cụ đắt tiền mới có thể tạo ra âm nhạc đích thực! 

Trở lại chương I bản concerto cho piano của Rachmaninov. Điều thú vị ở chỗ, cùng một người chơi là Vladimir Ashkenazy, nhưng có tới hai dàn nhạc: Moscow Philharmonic Symphony và London Symphony Orchestra. Tụi nhỏ cứ nhất định là thích dàn nhạc Moscow chơi hơn, trong khi dàn nhạc của London không phải dạng vừa. Nếu xét về phương diện về kinh tế, mức sống và nhiều điều kiện khác, thì dàn nhạc London vượt trội. Còn nhớ là Liên Xô sụp đổ năm 1991, còn bản thu với dàn nhạc Moscow ra đời năm 1999, thì đủ hiểu người Nga lúc đó không thoải mái chút nào. Thế nhưng, cái điều làm tụi nhỏ đê mê là: “Con cảm thấy dàn nhạc của Nga có cái gì đó trầm buồn, sâu thẳm và chắc chắn. Mặc dù dàn nhạc của Anh thật duyên dáng và sắc sảo!” 

Và đúng như thế thật! Không ai có thể cất lên nỗi buồn của bạn bằng chính bạn. Nỗi buồn của người Nga cũng thế. Tôi không bao giờ dám phán xét một cái gì quá to lớn, chỉ qua một cuộc chiến đang xảy ra. Và cũng không bao giờ dám coi thường một điều gì tưởng chỉ “xoàng” thôi, như người đàn ông mù thổi sáo giữa phố chợ. Điều này cũng giống như, khi bạn đã đi vào một ngôi chùa đẹp rực rỡ, hay một thánh đường nguy nga, cũng đừng bao giờ coi thường những người đứng vái một hòn đá. Vì biết đâu Thượng đế nằm bên trong hòn đá thì sao? 

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà âm nhạc và tâm linh có cùng chung một số phận. Cả hai đều bị những phương tiện của chính nó làm che mờ cái chân lý bên trong. Biết bao nhiêu ngôi chùa mới xây đẹp đẽ cùng thêm nhiều lễ nghi trịnh trọng, nhưng không thể che mờ một xã hội, dường như, đang khủng hoảng lương tâm. Biết bao nhiêu gameshow cùng các cuộc thi âm nhạc chỉ càng phơi bày một thẩm mỹ âm nhạc, có lẽ, đang xuống cấp. Bởi càng bám vào hình thức bao nhiêu, âm nhạc càng nhạt nhòa bấy nhiêu. Vì âm nhạc không đến từ phương tiện biểu đạt. Nó đến từ tâm hồn của chúng ta. Những tâm hồn ngày càng bạc màu vì ích kỉ. 

Khi Võ Hạ Trâm vừa hát vừa khóc nức nở bài Giấc mơ mùa thu, nhiều người khen và đồng cảm với cô ấy. Nhưng đến khi anh Tạ Minh Tâm thu bài này, trong tôi như đau cùng nỗi đau của anh. Nếu Võ Hạ Trâm khóc vì chia tay một cuộc tình, thì nỗi buồn của anh Tâm như là của một chiến binh chẳng bao giờ sợ điều gì, rồi một ngày bỗng dưng phải run rẩy, khi cảm nhận sự mong manh của tình yêu, thế nào là yêu một người, và chỉ yêu người ấy thôi! Như cái gì càng sâu thẳm, càng cần có nhiều trải nghiệm và thời gian hơn là những biểu hiện trực quan dễ cảm ngay tức thì. Và thường ta hay lầm tưởng, âm nhạc chỉ có thế! 

Âm nhạc từ đâu đến? Nó có phải âm thanh va đập ngẫu nhiên từ những công cụ sơ khai của người nguyên thủy rồi hình thành. Nếu như thế thì một con khỉ có cảm được những âm thanh đó không? Ta không chắc, nhưng ta biết chắc chắn rằng con người có thể rung động và chắt lọc những âm thanh đó cùng với thiên nhiên quanh mình, vì con người có tâm hồn. 

Nếu không từ tâm hồn, mọi phương tiện biểu đạt nó đều vô nghĩa.

Nhưng tâm hồn tôi ở đâu? Tôi nghĩ mình đã biết câu trả lời này rồi. Tôi sẽ đi gặp người đàn ông mù thổi sáo ngay ngã tư, giữa phố chiều lao xao...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.