Âm dương khí

11/12/2008 14:47 GMT+7

Phần âm, dương khí trong cơ thể cân bằng là lúc cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Một khi khí âm và khí dương mất thăng bằng thì sẽ dễ sinh ra bệnh tật.

Những thân thể hay nóng

Một số người có tình trạng cơ thể lúc nào cũng cảm thấy nóng, mặc dù thời tiết bình thường, những người khác không cần dùng đến quạt, thì họ luôn thấy nóng, nếu không dùng quạt thì mồ hôi ra rất nhiều, đôi khi nóng quá cảm thấy bứt rứt khó chịu.

Về tình trạng này, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng: "Theo quan niệm của y học cổ truyền, trong cơ thể con người luôn luôn tồn tại khí âm và khí dương. Đại diện cho âm là phần huyết, còn đại diện cho dương là phần khí. Khi cơ thể khỏe mạnh, sinh lý bình thường thì âm dương trong cơ thể cân bằng với nhau. Vì một lý do nào đó như, do ảnh hưởng của điều kiện môi trường, hay do yếu tố bên trong về mặt tình cảm, hoặc do ăn uống, lao động, làm việc, ngủ nghỉ... thất thường sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng âm - dương trong cơ thể một cách tương đối, khi đó sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lý".

 

Bột sắn dây - Ảnh: K.Vy

Một khi âm dương của cơ thể mất cân bằng sẽ xảy ra một trong hai trạng thái: dương thịnh - âm suy (dương tương đối mạnh hơn âm); và âm thịnh - dương suy (âm tương đối mạnh hơn dương). Khi âm suy (hư) sinh nội nhiệt thì bên trong cơ thể nóng. Khi dương suy (hư) sinh ngoại hàn, lúc này bên trong cơ thể sẽ lạnh. Vì vậy, với những người luôn cảm thấy nóng là vì âm hư khiến cơ thể phát nhiệt bên trong, lúc nào người cũng cảm thấy nóng là vậy.

Hao tổn âm dịch

Chứng âm hư phát nhiệt là do âm dịch của cơ thể bị hao tổn quá mức, thủy không chế ước được hỏa. Biểu hiện lâm sàng là, cơ thể nóng, đôi khi sốt, người gầy, da nóng, hay ra mồ hôi, gò má đỏ, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, mất ngủ, tinh thần bực bội. Khi âm hư khiến cho dương vượng, mà dương vượng sẽ làm hao tổn âm dịch, hai vấn đề này luôn quan hệ nhân quả với nhau. Theo y học cổ truyền, "hư thì bổ" - nghĩa là bồi bổ phần hư. Những người âm hư cần bổ phần âm để lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể.

 

Dưa chuột

Lương y Quốc Trung nói, thuốc bổ âm là những vị thuốc có tính ngọt mát để dưỡng âm, sinh tân dịch như: địa hoàng, mạch môn, sa sâm, kỷ tử... Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc bổ âm hiệu nghiệm. Trong đó có bài "Lục vị địa hoàng hoàn" là bài thuốc cổ phương dùng để bổ âm được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng để chữa chứng âm hư, gồm các vị: thục địa 20g, sơn thù, trạch tả, hoài sơn, phục linh, đan bì (mỗi vị 12g). Tất cả các vị thuốc cho vào nước sắc (nấu) kỹ, chia làm 3 lần dùng trong ngày. Bài thuốc có công dụng chữa chứng nội nhiệt (nóng trong người) như nói trên.

Ngoài việc dùng thuốc, những người thường có nội nhiệt có thể ăn uống các thức ăn mát, sinh tân như: bí đao, dưa chuột, các loại rau (rau dền, rau đay, rau má, bột sắn dây...). Vì, theo quan niệm của y học cổ truyền, "Y thực đồng nguyên" - thuốc và thức ăn có cùng nguồn gốc, và bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn (ý nói bệnh nhiệt thì dùng thuốc, thức ăn có tính mát).

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.