Ám ảnh “tử thần” rình rập

Sau liên tiếp 3 sự cố liên quan đến các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, nhiều người dân thủ đô thấy bất an khi phải đi trên những tuyến đường này vì hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Sau liên tiếp 3 sự cố liên quan đến các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, nhiều người dân thủ đô thấy bất an khi phải đi trên những tuyến đường này vì hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 
Hàng tấn sắt thép, bê tông “treo” trên đầu người đi đườngHàng tấn sắt thép, bê tông “treo” trên đầu người đi đường
Vừa đi vừa nín thở
Mỗi khi phải lưu thông trên tuyến đường này, nỗi ám ảnh về các vụ tai nạn lại hiện ra trong đầu. Đi trên đường, vừa phải lo điều khiển phương tiện vừa nơm nớp lo sợ thứ gì đó sẽ đổ sập vào người khiến không thể tập trung lái xe
Anh Trần Hữu Tú, sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong ngày 13.5, tại tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú song song tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhiều người đi đường, nhất là đi xe máy, đã không dám đi sát vào phần đường gần công trình đang thi công. Đặc biệt là ở các đoạn phải chui dưới công trình nhà ga của tuyến đường sắt đang thi công, trước đây vốn rất nhiều người đi thì nay đã thông thoáng thênh thang.
Lý do là người dân lo sợ bị vật liệu rơi, cần cẩu đổ... như những gì đã diễn ra. Anh Trần Hữu Tú, sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, chia sẻ: “Mỗi khi phải lưu thông trên tuyến đường này, nỗi ám ảnh về các vụ tai nạn lại hiện ra trong đầu. Đi trên đường, vừa phải lo điều khiển phương tiện vừa nơm nớp lo sợ thứ gì đó sẽ đổ sập vào người khiến không thể tập trung lái xe”.
Trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu..., do phải nhường một phần diện tích để phục vụ thi công các tuyến đường sắt đô thị nên giờ cao điểm hầu như ngày nào cũng xảy ra ùn tắc. Vì vậy, vào các giờ cao điểm, người đi đường không còn sự lựa chọn nào khác vẫn phải đi sát vào chân các công trình, chui qua các nhà ga, trên đầu lủng lẳng hàng trăm tấn sắt thép, bê tông.
“Nói thật là mỗi khi tắc đường phải đi qua những chỗ này là tôi nín thở, cố làm sao cho qua được thật nhanh. Tôi cũng không tưởng tượng được nếu tắc đường mà xảy ra sự cố sập cần cẩu thì hậu quả kinh khủng như thế nào”, anh Nguyễn Quốc Thái, nhân viên văn phòng ở Q.Thanh Xuân, lo lắng.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, tại các công trình thi công đường sắt trên cao dù có che chắn bằng lưới hoặc có hàng rào canh giới nhưng khá cẩu thả. Ở nhiều điểm, hàng rào canh giới bị người đi đường va chạm dẫn đến xiêu vẹo, xô lệch ra giữa đường nhưng không được các công nhân khắc phục ngay.
Chiều 13.5, PV ghi lại hình ảnh một tấm thép lớn tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhô hẳn ra ngoài lòng đường khoảng 0,5 m, xe máy đi qua phải cẩn thận né tránh, nếu sơ ý rất dễ bị tai nạn. Tương tự, tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hiện đã dừng thi công nhưng theo phản ánh của người dân trước đó, nhiều lần công trình này cẩu thép hoặc vật liệu nhưng không bố trí người cảnh giới. Nhiều cần cẩu vẫn “sừng sững” vươn cao trước nỗi ám ảnh của người đi đường.
 
Những chiếc cần cẩu lơ lửng tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà NộiNhững chiếc cần cẩu lơ lửng tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
Không lường được sự cố
Trong ngày hôm qua, Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt đô thị Hà Nội có cuộc họp với các cơ quan liên quan đánh giá về nguyên nhân vụ sập cần cẩu tại Q.Cầu Giấy chiều 12.5.
Theo đó, tai nạn xảy ra khi cần cẩu phục vụ thi công đang tiến hành rút ống vách có thép (đường kính 1 m, chôn sâu 9 m dưới mặt đất) thì bị gục cần. Cần cẩu bị gãy đổ lên hàng rào thi công, nhà dân bên đường (số 359 và 361 Cầu Giấy) làm hư hỏng một số biển quảng cáo, cột điện và làm bị thương 2 người đi trên đường Cầu Giấy. Nguyên nhân, theo BQL là “nhà thầu Daelim không lường trước được lực ma sát giữa ống vách và lớp đất xung quanh, dẫn đến cần cẩu gục cần khi nhà thầu rút ống vách lên”.
BQL dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã phê bình giám đốc nhà thầu Daelim, các cán bộ có liên quan để xảy ra sự cố, phê bình giám sát tư vấn Systra tại công trường nơi xảy ra sự cố. Hai ngày trước đó, cả nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát này cùng bị phê bình vì để xảy ra vụ rơi thanh sắt hơn nửa tấn ra đường.
Cũng trong hôm qua, UBND TP.Hà Nội có công văn hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động... Trong văn bản này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, yêu cầu BQL dừng mọi hoạt động thi công trên công trường các gói thầu số 1, số 2 của dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội để thực hiện việc kiểm tra, rà soát các biện pháp thi công nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động...; kiên quyết loại ra khỏi công trường những máy móc thiết bị, vật tư không đảm bảo về an toàn kỹ thuật, chất lượng. Với những nhà thầu không tuân thủ kế hoạch và quy trình thi công thì tiến hành đình chỉ.
Ngoài ra, BQL chủ trì phối hợp với tư vấn Systra, các sở, ngành, kiểm tra, rà soát điều chỉnh phương án tổ chức thi công, tăng cường giám sát thi công trên công trường đảm bảo thi công đúng quy trình, phương án đã được phê duyệt.
 
Một tấm sắt dài nửa mét từ công trình dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhô hẳn ra đường khiến các phương tiện đi qua phải néMột tấm sắt dài nửa mét từ công trình dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhô hẳn ra đường khiến các phương tiện đi qua phải né
Về nguyên nhân dẫn đến vụ sập cần cẩu, UBND TP.Hà Nội giao Công an TP chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở GTVT khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân của sự cố; xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố.
Coi thường tính mạng người dân
Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, công trường thi công các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội có đặc trưng là đều nằm giữa những trục đường chính, mật độ giao thông cao nhưng lại liên tục xảy ra các vụ mất an toàn lao động, cho thấy công tác an toàn lao động của các nhà thầu, ban quản lý dự án, cơ quan quản lý nhà nước đang bị xem nhẹ, coi thường ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản người dân. “Hiện các quy định về quản lý an toàn lao động ở các công trường thi công gần khu dân cư, nơi tập trung đông người, gần đường giao thông đều đã ban hành khá đầy đủ. Nhưng vấn đề kiểm tra, giám sát việc thực thi thường không được quan tâm đúng mức. Không ít cơ quan quản lý nhà nước chỉ ngồi bàn giấy nắm tình hình, ít chịu đi thực tế”, ông Liêm nói.
TS Liêm cho rằng với những công trường gần đường giao thông, để hạn chế tai nạn thì có thể chỉ cho thi công vào lúc vắng người như ban đêm, khi thi công phải có người giám sát, cảnh giới, hướng dẫn, báo hiệu cho phương tiện, người dân.
Công trình ở TP.HCM cũng để “cần cẩu lơ lửng trên đầu”
Theo một lãnh đạo của Sở Xây dựng TP.HCM, mới đây Sở LĐ-TB-XH phối hợp Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra cần trục tại các công trường xây dựng, kết quả đa số các chủ đầu tư đều tuân thủ các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho người đi đường. Tuy nhiên, vẫn phát hiện những vi phạm như là người lái cần trục, thiết bị nâng không có văn bản phân công của đơn vị thi công. Nhiều công trình không có rào chắn, không có người hướng dẫn người đi đường tránh khi cần trục, cần cẩu lơ lửng trên đầu, nhất là vào những giờ cao điểm. Thậm chí có nhiều dự án đã ngưng thi công nhưng cần trục, thiết bị nâng vẫn để lơ lửng trên không.
Đình Sơn
Lòng vòng trách nhiệm
Trao đổi với PV Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết về vụ tai nạn sập cần cẩu, trách nhiệm quản lý thuộc Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội. Trong khi đại diện Bộ Xây dựng nói theo quy định hiện hành, chiếc cần cẩu xảy ra sự cố không phải là loại cần cẩu tháp nên không chịu quản lý của các quy định do Bộ này ban hành. Phương tiện này do ngành LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm định và cấp phép hoạt động. Còn phần phương tiện chở cẩu, cấp bằng điều khiển phương tiện là trách nhiệm của ngành GTVT.
Ông Hà Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết các vấn đề liên quan đến một số sự cố mất an toàn lao động ở công trường thi công tuyến đường sắt đô thị vừa qua có trách nhiệm của cả Sở LĐ-TB-XH, Sở GTVT TP.Hà Nội và Bộ GTVT. Quá trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cần phải xem xét các yếu tố là người trực tiếp vận hành cẩu có được huấn luyện, cấp chứng chỉ không; chiếc cẩu bánh xích này có được kiểm định thường xuyên? Còn thời gian đảm bảo an toàn khi vận hành không theo chứng nhận kiểm định?...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.