Ám ảnh đường giao thông xuống cấp ở Khu kinh tế Dung Quất

20/08/2023 06:22 GMT+7

Khu kinh tế Dung Quất (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) được xem là một trong số ít những khu kinh tế, khu công nghiệp lớn ở miền Trung - Tây nguyên. Thế nhưng sau 20 năm hoạt động, do chưa được đầu tư xứng tầm, hạ tầng ở đây đang xuống cấp nghiêm trọng.

NHIỀU TUYẾN GIAO THÔNG BỊ HƯ HỎNG

Đi một vòng quanh Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, sẽ thấy ngay những con đường tan nát, vá chằng vá đụp. Đến tuyến đường số 3 phía tây Dung Quất (đường Thanh Niên), đi từ đoạn nối tuyến Dốc Sỏi - Dung Quất đến vòng xoay Thiên Đàng nối liền tuyến đường Chu Lai - Kỳ Hà (ranh giới tỉnh Quảng Nam), PV Thanh Niên chứng kiến cảnh sụt lún nền đường trên diện rộng. Hầu như cả tuyến đường đều bị hư hỏng mặt đường, với hàng loạt vũng, ổ voi… gây khó khăn cho phương tiện và người dân đi lại.

Ám ảnh đường giao thông xuống cấp ở Khu kinh tế Dung Quất - Ảnh 1.

Tuyến đường Thanh Niên bị hư hỏng, tạo thành ao, vũng sau những cơn mưa

PHẠM ANH

Người dân ở đây cho biết, mặt đường vốn là nền nhựa, nhưng bị bong tróc, hư hỏng liên tục nên được "chữa cháy" nhiều lần bằng đắp đá cấp phối. Mùa nắng bụi tung mù mịt, còn mùa mưa thì chỉ cần một cơn mưa lớn, con đường biến thành những cái ao rộng nối dài, xe ô tô con không dám chạy. Ở đoạn ngã tư đến bãi biển Khe Hai, thôn Trung An, xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, người dân phải dựng trụ, vật cản ở 2 đầu đường để hạn chế tốc độ xe qua lại, tránh gây nguy hiểm cho người đi đường.

Ông Thủy Văn Dũng (ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh) cho biết ngoài gây bụi bẩn, xe tải trọng nặng lưu thông trên đoạn đường này đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, đặc biệt vào ban đêm. Một chủ quán tạp hóa ở đây cho biết, do đường quá bụi nên chị phải dùng lưới che chắn, nếu không ngày nào cũng lau chùi bụi cả lớp bám vào các đồ vật trong nhà.

Ám ảnh đường giao thông xuống cấp ở Khu kinh tế Dung Quất - Ảnh 2.

Mặt đường vỡ nát ở KKT Dung Quất

PHẠM ANH

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng (72 tuổi, trú thôn Trung An, xã Bình Thạnh), đường hư hỏng, xuống cấp là do xe tải lớn vận chuyển nguyên vật liệu ngày đêm chạy qua. "Người dân buôn bán 2 bên đường bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là bãi biển Khe Hai (thôn Trung An, xã Bình Thạnh). Bà con thích đi tắm biển nhưng ngại đường hư quá sợ bị tai nạn, nên ít đi hơn. So với các năm, lượng khách đến biển Khe Hai giảm 70%. Phải khẳng định là đường Thanh Niên đã bị hư 100%, đề nghị cấp trên cho sửa chữa, nâng cấp để người dân đi lại, mưu sinh an toàn", ông Hoàng nói.

Ngoài đường Thanh Niên, chúng tôi đi đến các khu vực khác ở KKT Dung Quất, thì thấy hàng loạt tuyến đường cũng hư hỏng, xuống cấp. Đó là tuyến Trì Bình - cảng Dung Quất (từ ngã tư xã Bình Đông đến ngã tư xã Bình Thuận); tuyến quốc lộ 24C (từ ngã tư Nhà máy nước Vinaconex đến cảng Dung Quất); tuyến đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ ngã tư xã Bình Thuận đến cảng Hào Hưng)… Những con đường này có nền đường, mặt đường bị hư hỏng nặng và trên diện rộng; chưa đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước dọc. Ngoài ra, nhiều tuyến đường trong Khu đô thị Vạn Tường cũng đã xuống cấp, cần được nâng cấp, cải tạo.

Theo ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (H.Bình Sơn), xã là địa bàn trọng điểm của KKT Dung Quất, có rất nhiều dự án lớn đang xây dựng, nên lưu lượng xe tải và các loại xe qua lại rất lớn, mà hệ thống giao thông chưa được sửa chữa, mở rộng, đã xuống cấp trầm trọng.

"Từ đầu năm đến nay, xã có 22 vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết và 23 người bị thương. Bà con trong xã rất bức xúc khi nói về tình hình giao thông, đặc biệt là hạ tầng xuống cấp trên địa bàn", ông Huấn nói và cho biết thêm, xã đã đề xuất đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp hạ tầng; tăng cường quản lý giao thông trên địa bàn, nhất là về tải trọng, vận tốc, để đảm bảo an toàn giao thông.

Đường giao thông ở KKT Dung Quất bị xuống cấp như hiện nay, một phần là do nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Chỉ riêng năm 2022, đã có 40,3 triệu tấn hàng hóa lưu thông qua đây. Hiện tại, KKT Dung Quất có nhiều dự án quy mô lớn đang triển khai như: Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2; bến cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất và các dự án vệ tinh…

Do vậy, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu đã tăng lên đột biến, mật độ lớn, gây tình trạng quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất.

Đó là chưa kể, hạ tầng giao thông KKT Dung Quất đã xây dựng hàng chục năm nhưng nhiều tuyến đường vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện mặt cắt ngang, chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch, cộng với tình trạng đường bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề đã khiến giao thông trong KKT này trở thành nỗi ám ảnh.

CẦN KHẨN CẤP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết hạ tầng giao thông ở đây hiện chỉ đáp ứng khoảng từ 60 - 70% nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Sắp đến, khi các dự án Hòa Phát 2, dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các khu công nghiệp nhẹ… triển khai xây dựng thì hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 50 - 60%.

Hạ tầng giao thông xuống cấp một phần cũng do kinh phí đầu tư ở đây quá thấp. Chỉ tính từ năm 2009 - 2022, thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất cho ngân sách Trung ương khoảng 153.000 tỉ đồng, nhưng phần hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT này chỉ có 1.583 tỉ đồng, bằng 1% nguồn thu. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí duy tu thường xuyên hằng năm còn hạn chế, việc bảo dưỡng, sửa chữa dàn trải, thiếu căn cơ… nên chưa khắc phục được tình hình xuống cấp, hư hỏng của hạ tầng giao thông KKT Dung Quất.

Trước tình trạng này, Nhà máy Hòa Phát Dung Quất đã kiến nghị khẩn cấp đầu tư phát triển hạ tầng trong KKT Dung Quất, trong đó có tuyến giao thông xung quanh nhà máy, các khu tái định cư, kè chắn cát giai đoạn 3; cầu cảng cá neo đậu tàu thuyền; mở rộng kênh thoát nước dọc tuyến Võ Văn Kiệt; đầu tư hệ thống thoát nước chung trong KKT Dung Quất. Còn Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì kiến nghị khắc phục hư hỏng các đảo phân luồng giao thông trên đường Võ Văn Kiệt. UBND H.Bình Sơn cũng cho rằng, cần sửa chữa khắc phục hư hỏng và tổ chức giao thông trên các tuyến đường do Ban Quản lý KKT Dung Quất quản lý.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất, đơn vị đã đề xuất Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ có mục tiêu hằng năm cho KKT Dung Quất, tương ứng khoảng 10 - 15% số tiền ngân sách thu về cho Trung ương trên địa bàn, để đầu tư cho hạ tầng KKT ở đây, trong giai đoạn đến năm 2030. Ban này cũng cho rằng, hiện nay việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất là thật sự cần thiết và cấp bách. Vì đây là bước đi nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng các tuyến đường giao thông trục chính theo quy hoạch, đảm bảo kết nối KKT Dung Quất và các khu vực xung quanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn để lưu thông.

ĐANG XEM XÉT, BỔ SUNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KKT DUNG QUẤT

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn đăng ký nội dung trình HĐND tỉnh Quảng Ngãi về quyết định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đang chỉ đạo Sở KH-ĐT tỉnh rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung ưu tiên các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn KKT Dung Quất.

Trước đó vào giữa năm 2022, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình hư hỏng, xuống cấp của các tuyến đường giao thông ở KKT Dung Quất, cũng đã cho rằng, việc nâng cấp một số tuyến đường giao thông trọng điểm bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn KKT này là hết sức cấp bách.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.