Ám ảnh ‘con nghiện’ ôm vô lăng: Truy trách nhiệm hình sự chủ xe

06/01/2019 06:45 GMT+7

Công an TP.HCM mong muốn sắp tới phải sửa đổi quy định có thêm mức phạt chủ phương tiện. Thậm chí trong một số trường hợp chủ phương tiện cơ giới phải liên đới trách nhiệm hình sự.

Chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc truy trách nhiệm, xử lý nghiêm những nhà xe ép lái xe vì lợi nhuận, dẫn đến tai nạn giao thông thảm khốc, được sự đồng tình rất cao của cả cơ quan điều tra và người dân.
[VIDEO] Người dân Bến Lức kể về tai nạn thảm khốc: “Chưa vụ nào khủng khiếp đến vậy”
Sáng 5.1, trao đổi về tình trạng “con nghiện” ôm vô lăng xe container, xe tải gây tai nạn, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng không có tài xế nào muốn chạy quá tải, mà chính chủ xe ép tài xế chạy quá tải. “Công an TP mong muốn sắp tới phải sửa đổi quy định có thêm mức phạt chủ phương tiện. Thậm chí trong một số trường hợp chủ phương tiện cơ giới phải liên đới trách nhiệm hình sự. Ví dụ như chủ xe biết tài xế của mình nghiện ma túy mà vẫn giao xe cho tài xế đó chạy, nếu gây tai nạn thì chủ xe phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoặc chủ phương tiện ép tài xế chở quá tải, chạy với tốc độ cao để xoay vòng mà gây tai nạn chết người, thì cũng phải xem xét trách nhiệm xử lý hình sự chủ xe”, tướng Minh kiên quyết.

Buộc tài xế, nhà xe ký cam kết

Về quản lý tài xế điều khiển xe đầu kéo, theo đại tá Trần Văn Mười, Trưởng công an H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), công an huyện yêu cầu tất cả các cơ sở có xe đầu kéo, các cơ sở thuê xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa trên địa bàn phải cho tài xế ký cam kết không sử dụng các chất kích thích khi lái xe; nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Lê Phan Phi Phụng, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, trong đó có nội dung xét nghiệm ma túy và đa số các đơn vị vận tải đều đã thực hiện. Ông Phụng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng lái xe, trách nhiệm chính là của doanh nghiệp, đơn vị vận tải. Việc lái xe khi điều khiển phương tiện có sử dụng ma túy hay không cần phải có giải pháp đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ hành vi này. Truy cứu trách nhiệm hình sự lái xe sử dụng ma túy, và cả chủ xe sử dụng lái xe đó, là một trong những biện pháp mạnh tay để đảm bảo an toàn”.
Trong khi đó, một lãnh đạo Công an TP.Hà Tĩnh cho biết nhằm ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tháng 9.2018, đơn vị này đã đưa vào sử dụng thiết bị kiểm tra dương tính chất ma túy đối với người tham gia giao thông, kể cả người điều khiển xe máy. “Để chủ động sàng lọc các đối tượng có biểu hiện nghi vấn nghiện ma túy, tại chốt tuần tra thực hiện chuyên đề luôn có đầy đủ thành viên thuộc các đội Cảnh sát phòng chống ma túy, Cảnh sát trật tự và CSGT”, vị lãnh đạo này nói.
[VIDEO] Người nhà nạn nhân tai nạn ở Bến Lức, Long An bức xúc

Siết trách nhiệm quản lý nhà nước

Bên cạnh việc truy trách nhiệm chủ xe, lái xe, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải siết chặt trách nhiệm quản lý nhà nước. Chính sự buông lỏng của một số cơ quan chức năng cũng góp phần dẫn đến tình trạng tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích tràn lan, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.Đà Nẵng, cho hay hiện nay vấn đề tai nạn liên quan đến xe container, xe tải vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Đối với việc giám sát phương tiện qua camera, ông Cường cho biết hiện Bộ GTVT chỉ mới khuyến cáo, khuyến khích thực hiện, nhưng về lâu dài nên bắt buộc doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo kiểm soát hiệu quả.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nói hiện nay đã có các quy định bắt buộc tài xế khám sức khỏe định kỳ; đi học để cấp chứng chỉ về kỹ năng lái xe, đạo đức, chấp hành pháp luật; giới hạn thời gian được phép lái xe trong ngày thông qua “hộp đen” giám sát hành trình... nhưng hầu hết tài xế, chủ doanh nghiệp đều không chấp hành. “Lúc mới ra đời các quy định này được các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ nên các chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế chấp hành. Tuy nhiên, hơn 2 năm gần đây, hầu như các tài xế và nhà xe đều không chấp hành vì không có cơ quan quản lý nào kiểm tra, xử phạt vấn đề này. Điều đáng nói, những bất cập như xe chở quá tải, bằng lái giả..., hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ GTVT, UBND TP.HCM, HĐND TP.HCM nhưng đều rơi vào im lặng”, ông Quản nói thẳng.
[VIDEO] Lời khai của con nghiện làm phụ xe kiêm nghề vận chuyển ma túy
Về việc xử lý trách nhiệm hình sự chủ xe, theo ông Quản là “cần thiết để siết chặt quản lý các doanh nghiệp vận tải”. “Trong trường hợp tai nạn cụ thể, công an cần làm rõ chủ xe biết tài xế đó sử dụng ma túy, có ép tài xế chở quá tải trước khi gây tai nạn, có bắt tại xế chạy nhanh xoay vòng chuyến dẫn đến tai nạn hay không... để xử lý trách nhiệm hình sự liên đới chủ xe”, ông Quản đề xuất.
Liên quan đến vụ tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển xe container gây tai nạn thảm khốc khiến 4 người chết và 18 người bị thương vào chiều 2.1 vừa qua, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố đối với tài xế Hiếu về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty luật Đông Phương Luật, với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà tài xế Phạm Thành Hiếu gây ra, có dấu hiệu hình sự ở mức cao nhất đến 15 năm tù của khung hình phạt mà tội danh này quy định tại điều 260 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Việc tài xế dương tính với ma túy và có nồng độ cồn trong máu là tình tiết tăng nặng, nồng độ cồn càng cao thì chế tài phải chịu càng tăng.
Ngọc Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.