Ai cung cấp 'đồ chơi' cho giới vẽ bậy đường phố?

07/05/2023 15:01 GMT+7

Trong giới vẽ tranh đường phố, không thể thiếu những khâu cung cấp "đồ chơi", vật dụng và công dụng của từng sản phẩm. Đáng nói, với những người này, việc vẽ bậy chỉ là "thú vui" mà không màng tới những hậu quả, và thiệt hại do thú vui này gây nên.

Tìm nơi công cộng để... thể hiện khả năng?

Ai cung cấp "đồ chơi" cho giới vẽ bậy đường phố? - Ảnh 1.

Một trong những địa chỉ quen thuộc của giới vẽ tranh tường đường phố (Graffiti)

ĐINH ĐANG

Trong lúc câu chuyện ai đó trong giới Graffiti (hội họa đường phố) vẽ bậy lên toa tàu metro ở ga Suối Tiên chưa kịp lắng xuống, tôi tìm gặp Đ., một người có nhiều kinh nghiệm trong giới Graffiti để nghe chia sẻ. Đ trầm ngâm suy tư một lúc lâu, rồi nói: Thú vui hay sở thích vẽ đường phố là hoạt động du nhập từ nước ngoài, đa phần là dành cho giới trẻ. Nói đúng ra thì nó không xấu, cũng giống như công việc hacker hay các chuyên gia công nghệ thông tin, nếu họ dùng kỹ năng, kiến thức, năng lực của mình vào điều có ích cho cộng đồng thì nó là việc tốt, hay chúng ta gọi là hacker mũ trắng. Nhưng cũng có những người lợi dụng công cụ, dựa vào kiến thức công nghệ để gây thiệt hại cho người khác, thì đó là vi phạm pháp luật. 

"Hội họa đường phố cũng vậy, nếu tô vẽ những nơi bỏ trống, những bức tường hoang, hay thậm chí là nơi công cộng xuống cấp, thì đó là góp phần cải thiện bộ mặt đường phố. Nhưng vẽ bậy lên cửa nhà, lên tài sản của người dân đang sinh sống và đặc biệt là những tài sản công như toa tàu metro là điều đáng lên án. Vụ việc vẽ bậy này cho đến nay chưa xác định được thủ phạm, nhưng trong giới Graffiti đa phần là thái độ kinh ngạc, cũng có không ít người ngưỡng mộ, rõ ràng họ chưa ý thức được hết hậu quả của nó", anh Đ. kết luận. 

Ai cung cấp "đồ chơi" cho giới vẽ bậy đường phố? - Ảnh 2.

Một nhân vật bí ẩn trong giới Graffiti đã bôi bẩn toa tàu metro tại TP.HCM. Đây đã là lần thứ 2 tàu metro bị vẽ bậy.

MAUR

Anh Đ. cho biết, cộng đồng Graffiti ở Việt Nam có đến hàng chục ngàn người, ở khắp từ Bắc đến Nam và tập trung đông nhất ở Hà Nội và TP.HCM. Những người mới tập chơi sẽ bắt đầu tập làm quen với những bức vẽ trên giấy, sau đó vẽ lên những tấm bìa carton và khi thành thục sẽ bắt đầu sục sạo tìm những nơi công cộng để thể hiện khả năng cho nhiều người cùng thấy. 

"Để có được một tác phẩm đẹp, không bị lem luốc, màu sắc rực rỡ thì 50% nhờ đến sơn, 50% là kỹ năng của người vẽ. Muốn tham gia vào giới này, cần phải tìm hiểu các loại sơn, công dụng và cách sử dụng của từng đầu phun. Chi phí dĩ nhiên là tốn kém, nhưng nghề chơi nào cũng phải đầu tư hết. Và quan trọng hơn là phải biết địa điểm cung cấp", anh Đ. chia sẻ.

Chỉ là thú vui?

Ai cung cấp "đồ chơi" cho giới vẽ bậy đường phố? - Ảnh 3.

Một thành viên Graffiti đang say sưa thể hiện tác phẩm

CẮT TỪ VIDEO CLIP

Theo giới thiệu của anh Đ., tôi đăng ký vào thành viên của nhóm Graffiti Việt Nam, nơi quy tụ hàng chục ngàn người tham gia trên khắp cả nước. Dù mang tiếng là nhóm kín nhưng thường xuyên vẫn tiếp nhận thêm những thành viên mới, như tôi.  

Tôi làm quen với N.L, một thành viên khá tích cực trong nhóm. L. cho biết: "Vẽ lên tường, lên các công trình đường đều lén vẽ ban đêm hết, chuyện xin phép gần như là không tưởng vì có ai đồng ý cho mình vẽ lên tường nhà họ đâu. Nhưng cái thú vị là thể hiện tài năng trong cảm giác lén lút ấy".

N.L. hướng dẫn: Cậu là người mới, để tập thì cậu cứ dùng sơn ATM cho tôi. Biết chơi hơn thì mua các loại sơn nhập khẩu như Ironlak, One Take. Để phủ hết 1m2  tường thì chỉ cần 1 chai One Take, trong khi đó nếu dùng sơn ATM cần đến 2 - 3 chai, và còn phải bịt kín mặt cho khỏi hít phải bụi sơn, tính ra thì sơn nhập khẩu giá cao hơn nhưng màu sắc đẹp và độ bền tốt hơn. 1 chai sơn nhập khẩu giá từ 130.000 - 150.000 đồng, còn giá sơn nội địa chỉ khoảng 30.000 - 45.000 đồng/chai. Không chỉ tốn tiền mua sơn mà còn phải đầu tư các loại cap (đầu phun)". Đ.T.T., một thành viên quản trị cho biết. "Đầu phun có thể tự chế, nhưng rất vất vả. Hiện nay có nhiều cửa hàng cung cấp nhiều loại cap cho dân vẽ tường, và một số shop online cũng có bán thông qua sàn thương mại điện tử". 

Ai cung cấp "đồ chơi" cho giới vẽ bậy đường phố? - Ảnh 4.

Các loại Cap dành cho giới vẽ tranh đường phố

CHỤP MÀN HÌNH

Shop 400ml, một trong những cửa hàng cung cấp phụ kiện cho giới Graffiti tại Hà Nội, cho biết: "Hiện tại shop đang có hơn 11 loại cap, tất cả là dùng cho các loại sơn nhập khẩu. Từng loại cap đều có công dụng và kỹ thuật sử dụng khác nhau. Giá bán từ 23.000 đồng/cap". 

"Để vẽ 1 bức tranh lên tường thì tốn bao nhiêu tiền?" - tôi hỏi. N.L suy nghĩ lúc lâu rồi đáp: "Không thể tính được vì sở thích không quy ra được số tiền cụ thể, nhưng phải tốn ít nhất vài chục triệu đồng, từ lúc tập tành cho đến lúc thành thục. Còn khi đã "nghiện" rồi thì bao nhiêu tiền cũng đầu tư". 

"Có ai trả lương cho các bạn để làm công việc này không?" - Tôi hỏi nhưng hầu hết những người mà tôi khảo sát đều lắc đầu. Họ chỉ xem đây là thú vui và đam mê. Nhiều người vẽ đường phố lâu ngày đã tích lũy kinh nghiệm và... chuyển sang nghề phun xăm, body painting, bên cạnh đó là kinh doanh phụ kiện để cung cấp cho những người chơi mới.  

Sự thiếu ý thức của những thú vui cá nhân đã gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.