Ai có thể hiến mô, tạng?

Liên Châu
Liên Châu
23/06/2020 04:33 GMT+7

Hiến tạng khi còn sống và đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não sẽ giúp cứu các bệnh nhân không còn phương pháp điều trị nào khác.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, thông tin về những điều kiện cần có đối với người hiến mô, tạng.

Ai được phép hiến tạng khi còn sống?

Đối với việc hiến tạng khi còn sống (một quả thận, một phần lá gan hoặc một lá phổi), người hiến phải bảo đảm chặt chẽ các điều kiện sau:
Về cơ bản, người hiến từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, tình nguyện hiến, không trao đổi mua bán, phải đáp ứng các chỉ số y học được các cơ sở y tế chuyên ngành thăm khám, kết luận đủ điều kiện hiến tạng khi còn sống.
Tuy nhiên, chỉ áp dụng trong trường hợp hiến tạng cho người thân trong gia đình, cùng huyết thống, hoặc trường hợp đặc biệt, người hiến phải trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vô danh, vô vụ lợi.

Ghép tim xuyên Việt: Trái tim phụ nữ đập trong lồng ngực người thợ hồ

Điều kiện hiến mô, tạng sau khi chết

Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não là trường hợp ngành y tế khuyến khích. Theo đó, bất kỳ người nào từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện đều có thể đăng ký hiến và việc hiến tặng bất kỳ mô, tạng nào chỉ diễn ra sau khi người đăng ký hiến qua đời (chết hoặc chết não).
Để biết thêm thông tin về đăng ký hiến tạng hoặc cần tư vấn, có thể đến trực tiếp Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (phòng 230, nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - 40 Tràng Thi, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Ở các tỉnh phía nam, có thể đến trực tiếp đăng ký tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi đi mang theo chứng minh nhân dân + 1 ảnh thẻ (cỡ nào cũng được). Nếu không có sẵn ảnh thẻ, trung tâm sẽ chụp ảnh miễn phí cho bạn.
Ngoài ra, có thể tải đơn đăng ký hiến mô, tạng tại đây:
http://vnhot.vn/tai-mau-don
Như vậy, việc hiến mô, tạng sau khi chết, chết não mang lại sự sống tối đa cho nhiều người (không có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng như với trường hợp hiến tạng khi còn sống) và mang lại sự sống cho người được ghép tạng từ tạng hiến.
Người hiến tạng sau khi chết, chết não có thể hiến được nhiều mô, tạng cùng lúc để cứu sống được nhiều người bệnh, như: tim, gan, thận, phổi, ruột, tụy, giác mạc, da, gân, xương, van tim, mạch máu...

Mẹ hiến thận cứu con gái suy thận giai đoạn cuối vượt qua Thần Chết

Không hạn chế độ tuổi, tình trạng sức khỏe

Đối với người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não, pháp luật không quy định hạn chế việc đăng ký liên quan đến độ tuổi tối đa hay một số bệnh lý, miễn là người đó đủ năng lực hành vi dân sự tại thời điểm đăng ký, tình nguyện đều có thể đăng ký hiến mô, tạng.
Lý do, việc đăng ký hiến mới chỉ là bước đầu thể hiện tâm nguyện hiến tặng, còn việc hiến tặng được mô, tạng nào thì việc đó phải dựa trên cơ sở thực tế khi người đăng ký hiến qua đời do chết não hay chết vì tuổi già... Tại thời điểm đó, cơ sở y tế sẽ đánh giá nguồn mô, tạng nào phù hợp để có thể tiếp nhận. Vì vậy, đừng quan tâm về việc bạn quá già hay bệnh tật để có thể hiến tạng. Hiện không có quy định nào bắt buộc người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não phải chủ động giữ gìn, chăm sóc sức khỏe, bỏ sử dụng rượu bia, thuốc lá…
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người suy nghĩ nếu đã đăng ký hiến mô, tạng thì cần giữ gìn sức khỏe tốt để có thể thực hiện được tâm nguyện hiến mô, tạng sau khi qua đời. Ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh đó là một việc làm tốt. Bởi lẽ, chưa nói đến việc những mô, tạng nào của người đó có thể dùng được trong tương lai, mà bản chất việc ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đã là rất tốt cho chính người đăng ký. Vì thế, chủ động quan tâm đến sức khỏe trước, thì việc hiến tặng mô, tạng sau này sẽ tốt cho bản thân người hiến cũng như chất lượng tạng được nhận ghép.

Thủ tục hiến mô, tạng

Nếu muốn đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não, bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin hoặc liên hệ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để được tư vấn, hướng dẫn chi tiết và nên chia sẻ tâm nguyện của mình với chính người thân trong gia đình.
Ông Phúc cũng lưu ý, dù luật pháp không quy định phải có sự đồng ý của người thân trong đơn đăng ký, nhưng nếu người thân không biết hoặc phản đối thì ai sẽ là người báo cho cơ sở y tế biết tâm nguyện hiến mô, tạng của bạn khi qua đời, để có thể giúp thực hiện tâm nguyện ấy được trọn vẹn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.