Ai ăn hiếp ai?

05/09/2016 14:09 GMT+7

Giao thông đô thị rối ren đang là nỗi khổ chung. Cánh xe hơi cho rằng mình là nạn nhân, bởi ‘xe máy ỷ nhỏ ăn hiếp xe hơi’. Nhưng số đông đi xe gắn máy tố ngược lại: ‘Xe hơi ý lớn chèn ép xe gắn máy’.

Vấn nạn giao thông ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, đặc biệt là nạn kẹt xe. Sài Gòn là một điển hình. Trước chỉ kẹt xe giờ cao điểm và một số điểm nóng, nay giờ nào và chỗ nào cũng kẹt. Có người bảo do “thiếu đường, thừa xe”. Đường không làm thêm mà xe cứ nhập ào ào. Nghe có lý nhưng so với các nước, mật độ xe của Việt Nam, kể cả Sài Gòn chưa ăn thua. Chỉ hơn thiên hạ khoản xe gắn máy. Vừa qua, trên các diễn đàn mạng, bà con comment hà rầm chuyện giao thông đô thị. Cánh xe hơi cho rằng mình là nạn nhân, bởi “Xe máy ỷ nhỏ ăn hiếp xe hơi”. Còn số đông đi xe gắn máy tố ngược lại “Xe hơi ý lớn chèn ép xe gắn máy”. Phe nào cũng có lý.
Xe máy là trùm chạy ẩu, lấn tuyến, đi ngược chiều, leo lề….thì ai cũng thấy. Xe máy thường vi phạm luật giao thông nhiều hơn là có thật nhưng xe hơi cũng chẳng khá hơn. Luật không nghiêm nên chuyện vi phạm là đương nhiên, là “bản chất” của người Việt. Giao thông đường bộ ở Việt Nam kiểu nào cũng vi phạm và lấn ép nhau, kể cả người đi bộ.
Nguyên nhân sâu xa là do nhà nước. Giáo dục luật thì hình thức, quản lý đào tạo lỏng lẻo. Xử phạt tùy hứng, hay du di. Nhiều CSGT còn rình rập và gài bẫy để xử phạt hòng thu lợi bất chính. Người tham gia giao thông đa phần chỉ sợ CSGT nên kẹt xe là hậu quả tât yếu. 
Số lượng xe máy hiện nay gấp hơn 10 lần xe hơi (gần 7 triệu xe gắn máy và khoảng 700.000 xe hơi). Bình quân 4,5 xe gắn máy bằng 1 xe hơi. Diện tích sử dụng khi giao thông giữa xe máy và xe hơi là khoảng 2,2/1 Nghĩa là xe máy cần 2,2 lần diện tích đường bộ của xe hơi để sử dụng. Nhưng trên thực tế, phần đường dành cho xe gắn máy luôn ít hơn phần dành cho xe hơi nên việc lấn tuyến gần như là bắt buộc. Tâm lý du di cho vi phạm của người đi bộ và xe máy của CSGT cũng góp phần làm cho vấn nạn gia tăng. Luật pháp phải bình đẳng, không thể có luật riêng cho người nghèo, kẻ giàu, cho dân và cho cán bộ.
Có thật là chỉ xe máy mới chạy ẩu? Xin thưa, xe hơi cũng không hề kém cạnh. Có điều xe máy áp đảo về số lượng nên nhìn đâu cũng thấy. Nếu có điều tra xã hội học, chưa biết ai hơn ai. Xe hơi không leo lề vì không thể. Nếu leo được, chắc cũng không từ. Xe hơi ít chạy ngược chiều vì dễ bị phạt hơn chứ chưa chắc ý thức đã tốt hơn. Việc nghe điện thoại khi lái xe, chắc chắn xe hơi nhiều hơn vì khó phát hiện hơn. Việc làm bằng lái giả xe máy dễ hơn, xe bảng số tỉnh nhiều hơn; cũng làm cho việc vi phạm luật giao thông tăng hơn.
Xe hơi thường xuyên đậu giữa đường chứ xe gắn máy đố dám, nên đường đã hẹp càng chật chội, bức bối. Việc lấn tuyến, giành hết đường xe gắn máy xảy ra như cơm bữa trên khắp đường phố nội thành. Tôi đi làm từ Trung Sơn qua cầu Nguyễn Văn Cừ hoặc từ Lotte quận 7 qua quận 4, đường nào cũng bị xe hơi vây hãm. Xe hơi cũng như xe máy, hay cố tình vượt đèn vàng gây ùn tắc cục bộ tại các giao lộ. Hậu quả của việc này do xe hơi gây ra lớn gấp mấy lần xe máy.
Đó là chỉ mới nói đến xe hơi nhỏ. Còn xe hơi lớn thì khỏi bàn. Xe hơi lớn phóng bạt mạng trên quốc lộ để giành khách, xe máy nào dám ăn hiếp? Còn các “Tam hùm giao thông đường bộ” là "buýt - ben - bồn", chỉ mới xưng danh là muốn bủn rủn tay chân. Xả khói, bóp còi inh ỏi và chạy ẩu… chắc chắn vô địch. Xe container cũng không chịu thua kém. Bên cạnh là các xe tải, nhất là xe chở quá tải. Nhưng quán quân vượt đèn vàng đích thị là mấy xe tải nhỏ, chạy ẩu cũng không hề kém các bậc đàn anh.
Kẹt xe ở Việt Nam là do người chứ không phải do xe! Ảnh: TL
Nhiều chuyên gia phòng lạnh đổ hết lỗi lầm cho xe máy trong việc ùn tắc giao thông. Có nơi còn tính cấm hẳn xe máy. Nếu thay xe máy bằng xe hơi giá rẻ, đảm bảo nạn kẹt xe còn gấp bội. Có khi phải leo nóc xe mà đi. Tôi không cố ý bênh vực xe máy, cũng không biện minh cho xe hơi. Vấn đề ở đây là ý thức tham gia giao thông, từ đi bộ, xe đạp, xe máy và các loại ô tô đều có vấn đề. Nước nào cũng có kẹt xe nhưng khác nhau là cách hành xử của người điều khiển phương tiện. Các nước phát triển thì kẹt vì xe quá nhiều, nhưng đều trật tự hàng lối và tự giải tỏa. Mấy nước kém văn hóa hơn thì tự gây kẹt xe và CSGT phải hết sức vất vả mới giải tỏa được. Lào nghèo hơn Việt Nam nhưng giao thông của họ lại bài bản và ăn đứt Việt Nam. Nên đừng đổ tội cho cái nghèo mà tội nghiệp.
Nguyên nhân sâu xa là do nhà nước. Giáo dục luật thì hình thức, quản lý đào tạo lỏng lẻo. Xử phạt tùy hứng, hay du di. Nhiều CSGT còn rình rập và gài bẫy để xử phạt hòng thu lợi bất chính. Người tham gia giao thông đa phần chỉ sợ CSGT nên kẹt xe là hậu quả tất yếu. Người Việt thường hay đổ lỗi. Việc gì cũng "tại" và "bị", từ trên xuống dưới và ngược lại, cứ chăm bẵm vào lỗi người khác mà ít thấy sai sót của chính mình. Mấy bạn nước ngoài của tôi thường thắc mắc, đại loại: “Sao ở Việt Nam CSGT nhiều vậy? Đi đâu cũng gặp. Đã có đèn tín hiệu sao còn có CSGT đứng gác? Đã có CSGT và đèn tín hiệu còn thêm mấy người áo xanh phất cờ nữa là sao?”. Thật chỉ biết cười trừ. Còn những người ở Việt Nam lâu năm thì rút ra kết luận: “Kẹt xe ở Việt Nam là do người chứ không phải do xe!”.
Khi đã tìm ra nguyên nhân thì việc khắc phục không khó. Con người gây ra thì con người cũng có thể thay đổi. Không thể kêu gọi người tham gia giao thông có ý thức chung chung mà phải có biện pháp xử phạt nghiêm ngặt. Không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào. Lãnh đạo càng phải nêu gương thực hiện. Các nước đều làm như vậy cả. Đừng để thiên hạ cười chê người Việt kém văn hóa giao thông. Xác lập trật tự giao thông phải bắt đầu từ chuyện nhỏ, từ hành vi cụ thể của mỗi người tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.