Abdulrazak Gurnah: Tiếng nói khắc khoải về nhân dạng và sự lạc loài

Thế Sang
Thế Sang
07/10/2021 22:21 GMT+7

Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel Văn học cao quý cho tiểu thuyết gia Tanzania Abdulrazak Gurnah vào ngày 7.10.

Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 và lớn lên ở một trong 2 hòn đảo Zanzibar (thuộc Tanzania) nhưng sau đó ông di cư đến Anh vào năm 1968, lúc 20 tuổi. Ở tuổi 72, ông được vinh dự nhận giải Nobel Văn học trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (26 tỉ đồng) sau hơn 5 thập niên sáng tác, kể từ tuổi 21, theo The Guardian ngày 7.10.

Ban tổ chức giải Nobel nhận xét sáng tác của Abdulrazak Gurnah là tiếng nói mạnh mẽ, "không khoan nhượng và thương xót trước ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và những số phận di dân trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa". Ông là nhà văn Tanzania đầu tiên thắng giải này, tờ báo nhấn mạnh.

Bìa quyển tiểu thuyết Afterlives của Abdulrazak Gurnah

Ảnh: Bloomsbury Books

Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah đã cho ra đời 10 tiểu thuyết và rất nhiều truyện ngắn. Alexandra Pringle, biên tập viên lâu năm của ông, nhận xét cảm thức về sự di dời, hay nói khác đi là sự mất gốc là nỗi ám ảnh thường trực trong sáng tác của Abdulrazak Gurnah. Alexandra Pringle nhận xét thêm, sự khắc khoải mà Abdulrazak Gurnah mô tả trong các sáng tác của ông "luôn theo cách đẹp và ám ảnh nhất, chúng nâng đỡ nhân vật và cuốn họ qua mọi lục địa".

Còn nhà văn Anders Olsson, người đại diện của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhận xét từ tác phẩm đầu tay là Memory of Departure (tạm dịch: Ký ức của sự khởi hành) đến Afterlives (tạm dịch: Thế giới bên kia), luôn hướng độc giả đến một văn hóa châu Phi đa dạng và không giống với phần còn lại của thế giới.

Tôi cảm thấy chiến thắng lần này rực rỡ và tuyệt vời.

Abdulrazak Gurnah

Nói sâu hơn về Afterlives, quyển truyện xuất bản năm vừa rồi, là một tác phẩm ám ảnh và khắc khoải. Quyển tiểu thuyết kể về một cậu bé bị bắt khỏi cha mẹ mình khi còn nhỏ và cậu cuối cùng cũng trở về quê hương của mình sau nhiều năm tham gia cuộc chiến chống lại chính người dân của mình.

Afterlives là quyển tiểu thuyết thứ 10 của Abdulrazak Gurnah, vì lấy bối cảnh từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, một quãng thời gian đủ rộng với nhiều nhân vật trong đó, ngòi bút của ông đã thăm dò và mổ xẻ thân phận con người trong và sau chiến tranh. Những di chứng dai dẳng mà chiến tranh để lại trong cuộc đời mỗi người được Abdulrazak Gurnah khéo léo phân tích qua các trang sách. "Trong thế giới của Abdulrazak Gurnah mọi thứ luôn dịch chuyển, từ ký ức, tên gọi đến nhân hình, nhân dạng" - nhà văn Anders Olsson nhận xét về Abdulrazak Gurnah.

Paradise là quyển tiểu thuyết quan trọng của Abdulrazak Gurnah

Ảnh: Hamish Hamilton

Quyển tiểu thuyết thứ 4 và là quyển tiểu thuyết quan trọng trong văn nghiệp của Abdulrazak Gurnah, được nhắc đến như là một trong những yếu tố quyết định sự chiến thắng của ông, đó là Paradise (tạm dịch: Thiên đàng). Tác phẩm đào sâu về cuộc đời con người trước và trong chiến tranh thế giới thứ nhất, được giới phê bình hàn lâm ca ngợi. Tác phẩm được đưa vào danh sách sơ tuyển giải Booker năm 1994 và được so sánh với tiểu thuyết nổi tiếng Heart Of Darkness (1899, đã được dịch sang tiếng Việt là Giữa lòng tăm tối) của nhà văn Joseph Conrad.

Qúa trình di cư đã ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác của Abdulrazak Gurnah, và do đó, ông đã chọn sáng tác bằng tiếng Anh, không phải tiếng mẹ đẻ là Swahili (thuộc ngữ hệ Niger-Congo, một trong những ngữ hệ được sử dụng nhiều ở châu Phi). Theo Reuters, ông chọn rời khỏi châu Phi vào thập niên 1960 vì chế độ chính trị nơi này không ổn định. Abdulrazak Gurnah trở về Zanzibar vào năm 1984, kịp nhìn cha mình lần cuối cùng trước khi ông mất.

Nhà văn Abdulrazak Gurnah hồi tháng 6.2021

Ảnh: reuters

"Tôi cảm thấy chiến thắng lần này rực rỡ và tuyệt vời. Điều này hoàn toàn bất ngờ đối với tôi khi tôi đã chờ cho đến khi nghe kết quả được xướng lên trước khi tôi tin rằng điều đó là thật" - Abdulrazak Gurnah trả lời Reuters khi được hỏi về cảm nhận chiến thắng giải Nobel Văn học.

Sáng tác của Abdulrazak Gurnah nhìn chung chịu ảnh hưởng từ kho tàng thơ ca Ả Rập và Ba Tư, kinh Koran, đồng thời ông cũng học tập từ văn hào William Shakespeare đến nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 2001 là V. S. Naipaul. 18 thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển đã xem xét kỹ càng văn nghiệp và sức ảnh hưởng của Abdulrazak Gurnah trước khi trao giải thưởng cao quý cho ông theo di nguyện của "cha đẻ" giải thưởng là Alfred Nobel.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.