97% vụ xâm hại trẻ em, nghi can quen biết nạn nhân và gia đình

Khánh Trần
Khánh Trần
03/11/2021 20:47 GMT+7

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, phát hiện 1.945 vụ xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị xâm hại về tình dục; 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân và gia đình của nạn nhân.

Ngày 3.11, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị tổng kết việc triển khai “Các hoạt động giáo dục giới tính ERA cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi - Kỹ năng phòng tránh xâm hại” giai đoạn 2019 - 2020 và nửa đầu năm 2020 - 2021.

Nạn bạo lực gia đình leo thang

Phát biểu tại hội nghị, GS. TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục cho biết, trong thời gian người dân nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nạn bạo lực gia đình đã leo thang, đặc biệt là nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, phát hiện 1.945 vụ xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị xâm hại về tình dục; 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân, và gia đình của nạn nhân; để lại hậu quả nặng nề cho trẻ em.

Phần nổi của tảng băng

Cũng tại hội nghị, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ - TB - XH Đặng Hoa Nam cho biết với vấn đề này, ông có 3 nỗi băn khoăn và 1 niềm hy vọng. Nỗi băn khoăn đầu tiên là của chính ngành giáo dục. Tuy rằng giáo dục giới tính đã đi vào quỹ đạo nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, đó là việc giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản có phải bày đường cho hươu chạy, băn khoăn khi chúng ta bắt đầu dạy kỹ năng về phòng chống xâm hại đặc biệt là xâm hại tình dục khá muộn, tụt hậu so với thế giới.

Về xã hội, ông Nam cho biết các con số thống kê hiện nay chỉ ra có trên dưới 2.000 vụ xâm hại trẻ em, 70% trong số đó là xâm hại tình dục. Đây là vấn đề toàn cầu, là hành vi không thể chấp nhận được. Vấn đề là làm sao để giảm thiểu thực trạng trên. Con số 2.000 này cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, khi ở nhiều nơi trẻ em còn ít được bảo vệ. Trẻ em sẽ an toàn khi mà cha mẹ, người chăm sóc có được kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Nỗi băn khoăn thứ 3 là về chính cha mẹ các em. Khi cha mẹ có kiến thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại, từ đó truyền đạt cho các em những hiểu biết sức khỏe sinh sản, làm sao để dạy cho con em kỹ năng về phòng ngừa, cảnh giác với những người khác giới nhưng vẫn yêu thương cha mẹ, bạn học khác giới của mình mà không làm các em lo lắng, hay hoảng sợ. Đây là vấn đề rất khó, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM

khánh trần

Chia sẻ tại hội nghị, một giáo viên mầm non cho biết, cô và nhiều giáo viên khác cũng gặp không ít khó khăn khi truyền đạt các kiến thức giáo dục giới tính cho trẻ, dùng những cụm từ nào dễ biểu thị để chỉ các bộ phận trên người của trẻ, liên kết kiến thức như thế nào cho hợp lý hay tổ chức các hoạt động ra sao. Cùng với đó là khó khăn đến từ phụ huynh, khi họ còn ngại ngùng, không đồng ý cho trẻ học vì trẻ còn nhỏ, cho rằng trẻ học 1 hiểu 10 sẽ làm thử...

Triển khai từ năm 2018 đến nay, Các hoạt động giáo dục giới tính ERA cho trẻ từ 3 - 5 tuổi đã được 5/21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM và khu vực 3 (KV3) TP.Thủ Đức (Q.Thủ Đức cũ) triển khai bản quyền, lồng ghép vào chương trình giáo dục giới tính mầm non: Q.Bình Thạnh, KV3 TP.Thủ Đức… Trong đó, chỉ có KV3 TP.Thủ Đức và H.Bình Chánh đã triển khai toàn bộ các trường và Q.10 sẽ triển khai tất cả trường vào năm học 2021 - 2022.

Chương trình tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là giáo viên, phụ huynh và trẻ em. Đối với trẻ em, nhằm giúp các em hiểu về cơ thể mình, qua đó tự tin vào bản thân, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác; có khả năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại ngay cả khi không có bố mẹ và người thân quen bên cạnh; hình thành cho trẻ những tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến lĩnh vực riêng tư, thầm kín nhất của đời sống con người, hình thành những quan hệ đạo đức lành mạnh giữa nam và nữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.