95% ca tai nạn giao thông nạn nhân bất tỉnh được sơ cứu sai sách

Lê Cầm
Lê Cầm
26/09/2022 15:39 GMT+7

Sơ cấp cứu y tế là hoạt động nhằm can thiệp nhanh, kịp thời để cứu sống, hồi phục chức năng sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân khi xảy ra tai nạn.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho biết, sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân vì sẽ quyết định sự sống chết của người bị nạn. Việc nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông.

Trong đó, những "phút vàng" đầu tiên được xem là rất quan trọng, tình nguyện viên, người sơ cứu cần được trang bị túi sơ cứu với đầy đủ dụng cụ, đồng thời được đào tạo thành thục, thao tác chuyên nghiệp để kịp thời cứu người đúng cách trước khi chuyển viện.

Việt Nam được coi là một trong số các nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Theo thống kê năm 2018 của Bộ Y tế, cả nước có 1.226.704 trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó đó có 9.745 trường hợp tử vong. Tử vong do tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31% và các tai nạn khác.

"Khi thấy một nạn nhân ngã bất tỉnh hãy kiểm tra hiện trường, xem miệng nạn nhân có dị vật không, đường thở, mạch, tri giác như thế nào, có tổn thương toàn thân không rồi đưa nạn nhân về tư thế hồi phục nằm nghiêng thay vì dựng nạn nhân dậy. 95% các ca tai nạn giao thông ở Việt Nam, người sơ cứu thường dựng đứng nạn nhân ngồi dậy khi nạn nhân vừa ngã xuống. Điều này có thể tạo ra rất nguy hiểm ở phía sau", ông Tuấn chia sẻ về một tình huống sơ cứu sai cách.

Nhân viên Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn một tình huống sơ cứu người bất tỉnh
Lê Cầm

Với mong muốn mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận dễ dàng hơn với hoạt động sơ cấp cứu y tế khi xảy ra tai nạn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Quỹ Urgo Foundation của Pháp đã phát động chương trình First Aid Next Door (tạm dịch: Cứu hộ trong tầm tay) để huấn luyện sơ cấp cứu cho các dược sĩ Việt trên cả nước.

Hiện nay, tổng số người được hội đào tạo sơ cấp cứu mỗi năm từ 170.000 - 200.000 người để phục vụ trên cả nước.

Dược sĩ diễn tập sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật khi phụ huynh đưa trẻ tới

lê cầm

Trong giai đoạn đầu của chương trình First Aid Next Door, Hội Chữ thập đỏ sẽ huấn luyện đào tạo chuyên sâu cho 300 các dược sĩ Việt tại Pharmacity đến cuối 2022. Sau khi hoàn thành, các dược sĩ sẽ được hội cấp chứng chỉ xác nhận để có thể áp dụng kiến thức và chuyên môn sơ cấp cứu phục vụ người dân ngay tại các nhà thuốc. Quỹ Urgo Foundation sẽ tài trợ các dụng cụ sơ cứu (First Aid Kid) cho chương trình.

Theo ông Pascal B. Auzière, đại diện Quỹ từ thiện Urgo Foundation, các dược sĩ là những người đã có kiến thức chuyên môn về y tế và sức khỏe cộng đồng để phục vụ điều trị. Trang bị thêm các kỹ năng sơ cấp cứu cho chính các dược sĩ là cách nhanh nhất để đem dịch vụ sơ cấp cứu tới gần hơn với mọi người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.