90% đơn xin bằng sáng chế AI bị từ chối ở Mỹ

Thu Thảo
Thu Thảo
28/01/2019 08:07 GMT+7

Trong lúc các nhà đầu tư đổ hàng tỉ USD vào nhiều startup liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), việc xin cấp bằng sáng chế có liên quan đến mảng này rất khó khăn tại Mỹ.

Theo Bloomberg, khi các hãng từ IBM đến Samsung Electronics và Halliburton nỗ lực tìm ra phát minh vĩ đại kế tiếp dùng trí tuệ nhân tạo, họ có thể gặp trở ngại khi cố gắng xin bằng sáng chế cho ý tưởng của mình. Văn phòng Thương hiệu và Bằng sáng chế Mỹ (PTO) đang ngày càng khó khăn trong việc cung cấp sự bảo vệ pháp lý cho các phát minh liên quan đến AI. Đây là lĩnh vực bao hàm nhiều mảng đầy tiềm năng trong tương lai như xe tự lái, trợ lái và phân tích tài chính ảo.
PTO nhận rất nhiều đơn nộp xin bằng sáng chế AI trong lúc phải bảo đảm tuân thủ luật mà Giám đốc PTO Andrei Iancu cho rằng là thiếu rõ ràng trong việc quy định những gì có thể được cấp bằng sáng chế. “Mỹ hiện là một trong những nước đi đầu về AI”, Kate Gaudry, luật sư chuyên mảng bằng sáng chế của hãng luật Kilpatrick Townsend & Stockton cho hay.
Bà Gaudry phát hiện rằng trong số các ứng dụng được phân loại chính là liên quan đến AI, khoảng 90% bị nhận thư từ chối đầu tiên với lý do chúng là những ý tưởng trừu tượng. 9 trong số 10 đơn xin bằng sáng chế liên quan đến AI bị từ chối trả về vì lý do rằng chúng không đủ điều kiện để nhận bằng. Đây là lập luận khó lòng được vượt qua. Thêm vào đó, số lượng đơn xin bằng sáng chế nhận được lời phê duyệt cuối cùng giảm xuống còn tầm 20%.
Bằng sáng chế có thể là công cụ tiếp thị để chỉ ra rằng một doanh nghiệp đang đổi mới, song nó cũng là một loại dấu hiệu ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép ý tưởng. Bằng sáng chế trao cho chủ sở hữu quyền kiểm soát độc quyền với những người có thể tìm kiếm lợi nhuận từ họ. Các nhà đầu tư thường tìm đến những doanh nghiệp có nắm giữ bằng sáng chế.
Chuyện độc quyền kiểm soát ý tưởng đặc biệt quan trọng trong ngành công nghiệp đang phát triển như AI. Giới đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp rót vốn vào AI với hy vọng thúc đẩy làn sóng tiến bộ trở thành thành công thương mại trong lĩnh vực.
Theo CB Insights, các khoản đầu tư và thương vụ vốn cổ phần liên quan đến startup AI vượt 32 tỉ USD cho cả năm 2017 và 2018. Các hãng lớn như Alphabet, Google, Microsoft, Amazon, Apple và Facebook thuê thêm nhiều nhà khoa học và kỹ sư AI. Họ còn thâu tóm các hãng khác trong mảng này, đua nhau phát hành sản phẩm. Đặc biệt hãng IBM, đơn vị nhận kỷ lục 9.100 bằng sáng chế trong năm 2018, nắm 1.600 bằng sáng chế liên quan đến AI.
Có nhiều vấn đề đạo đức, quy định và pháp lý liên quan đến AI, và bằng sáng chế luôn đứng đầu danh sách. PTO hiện tích hợp AI vào hệ thống riêng của họ để phân tích các đơn xin cấp bằng. Cơ quan vừa phát hành hướng dẫn mới vào tháng này, nêu rõ cách xem xét tính đủ điều kiện để nhận bằng sáng chế.
Nhà sáng lập kiêm CEO hãng Israel Cortica, ông Igal Raichelgauz, cho rằng không phải tất cả những gì liên quan đến AI đều nên được xem là sáng chế. Nhiều hệ thống chỉ đơn giản là ứng dụng phần mềm đưa ra dự đoán sâu khi phân tích dữ liệu được nhập vào máy tính. Hãng Cortica hoạt động trong mảng học sâu, đang dùng AI trong lĩnh vực xe tự lái, X-quang và giao dịch tài chính.
“Nếu bạn đưa hàng ngàn tấm ảnh mèo vào máy, lần sau khi máy thấy con mèo, nó sẽ nhận ra đó là gì. Ý tưởng về bằng sáng chế là cho phép đổi mới. Nhiều doanh nghiệp lớn đang cố gắng thương mại hóa trí tuệ nhân tạo. Sự độc đáo của công nghệ rất quan trọng. Nó phải hoạt động được và phải độc đáo. Chúng ta muốn có bằng sáng chế để bảo vệ sự đổi mới, không phải làm giảm giá trị của chúng”, ông Raichelgauz nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.