9 năm “đắp chiếu” Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng

17/04/2019 09:48 GMT+7

Dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) thành nhà thi đấu hiện đại, khu tập luyện thể thao đa năng... được triển khai từ tháng 3.2010 nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Đợi miệt mài cơ ngơi thể thao khang trang

Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là một trong những điểm nhấn kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước (1985), đã chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng: World Cup bóng bàn 1992, World Cup cầu lông 1994, giải vô địch taekwondo châu Á 2000, giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2003, gần 20 mùa giải bóng bàn Cây vợt vàng cùng vô số giải thi đấu đỉnh cao khác. Tại SEA Games 2003 tổ chức ở VN, nơi đây đã tổ chức thành công môn quyền anh sau đó là billiards tại Asian Indoor Games 2009. Đêm 2.9.2014, một mảng khoảng 50 m2 trần nơi đây sập xuống ở giải cầu lông quốc tế, rất may không có thương vong và trung tâm ngưng hoạt động từ đó.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ lúc bị đập bỏ hoàn toàn, đến hôm qua vẫn là bãi đất hoang, lặng lẽ nằm giữa 4 mặt đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần sầm uất. Nhìn từ ngoài vào, qua lớp rào đã phai màu, ngoại trừ vài làn bê tông cũ còn sót lại thì tất cả mặt nền đều bị cỏ dại phủ đầy. Ngoài trạm điện vẫn còn giữ nguyên, công trình đáng kể nhất sót lại là một lều giăng bạt tạm bợ cho bảo vệ trú nắng và chòi tôn thép đỏ xập xệ như muốn đổ.
Ông Toàn, năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên đối diện sân Phan Đình Phùng cho biết gia đình ông, từ thời mẹ đến giờ là hai vợ chồng luôn sinh sống kinh doanh, nay là bán nước hàng chục năm tại đây. Theo trí nhớ của ông, công trình nhà thi đấu này được thi công năm 1977, sửa sang nâng cấp một lần vào năm 1985 là nơi diễn ra bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ cho đến khi kết thúc vòng đời nhiều dấu ấn của mình. “Tôi đã chứng khiến Nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ những ngày đầu, chứng kiến những nhà quản lý đầu tiên, bao nhiêu thế hệ VĐV, CĐV... đến đây với biết bao giải lớn nhỏ hoạt động thi đấu và tập luyện rất sôi nổi. Nhà thi đấu này luôn là một phần đặc biệt trong cuộc sống của tôi. Con cái tôi từng tập võ ở đây. Tôi từng chứng kiến thời điểm trần nhà của Phan Đình Phùng bị sập, may mà không có ai bị thương. Nay nó bị đập bỏ rồi mọi người cũng tiếc lắm. Thời gian trôi qua ai cũng ngóng sẽ thấy một hình hài mới khang trang, hiện đại hơn để phục vụ người dân cũng như là bộ mặt của thành phố, thế mà đến giờ vẫn bị bỏ không. Nghe nói công trình bị đội giá quá trời nên giờ nằm im chờ tiền. Chờ hoài, không biết đến bao giờ”, ông Toàn chia sẻ.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng trước khi bị đập ảnh: Khả Hòa
Những người từng sinh hoạt, luyện tập hay thi đấu thể thao tại Phan Đình Phùng đều trông ngóng phong trào thể thao nơi đây sống lại, trở thành một trong những điểm nhấn đáng nhớ nhất của thể thao TP.HCM. Nhưng hôm qua khi trao đổi với chúng tôi, nhiều người đều nói giọng buồn bã: Ngày đó không biết đến bao giờ! Không biết những người có trách nhiệm nghĩ gì khi để tình trạng này kéo dài.

Chậm vì đội vốn

Dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là một trong những dự án được TP.HCM đưa vào danh sách các công trình trọng điểm phục vụ SEA Games 31 năm 2021.
Theo tìm hiểu, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP.HCM được bán nhà, đất tại 257 Trần Hưng Đạo (Q.1) để thanh toán cho dự án xây dựng mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng khi đó có mức đầu tư được công bố là 988 tỉ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá đầu tư lên 1.352,7 tỉ đồng, UBND TP.HCM xin bổ sung thêm khu đất tại 3 - 3 bis Phan Văn Đạt (Q.1) để thanh toán cho nhà đầu tư. Năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án lên tới 1.953,78 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với ban đầu, TP.HCM tiếp tục xin bổ sung thêm khu đất 3 ha ở khu trường đua Phú Thọ (Q.11) để thanh toán hợp đồng dự án.
Trong quá trình triển khai, đầu năm 2018, UBND TP.HCM cũng đồng ý thay thế nhà đầu tư mới là Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt thay cho Công ty TNHH An Tạo nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Lý do là Chính phủ chưa có ý kiến về kiến nghị của TP.HCM đổi 3 ha đất tại khu trường đua Phú Thọ thanh toán cho nhà đầu tư.
Một lãnh đạo ngành thể thao cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Chính phủ đã có văn bản, yêu cầu dừng việc thực hiện hợp đồng công tư (đổi đất lấy công trình) trên phạm vi toàn quốc. Trung tâm Phan Đình Phùng cũng nằm trong dạng thực hiện hợp đồng nói trên nên không thể tiến hành xây dựng. TP.HCM rất cần Chính phủ có cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện cho thành phố trong việc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Trên thực tế, nhiều khu đất của nhà nước nằm trong tình trạng không sử dụng trong thời gian dài, rất lãng phí mà nhà đầu tư lại rất cần. Họ có nguồn vốn trong tay và sẵn sàng chi tiền nếu như được tạo điều kiện một cách phù hợp với quy định của pháp luật”. 
Theo thiết kế, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sẽ có 7 tầng nổi,  3 tầng hầm, tọa lạc trên khu đất rộng 14.417,8 m2 gồm nhà thi đấu chính và khu tập luyện đa năng. Công trình này có diện tích xây dựng là 7.176 m2, mật độ xây dựng 49,77%; dự kiến sân thi đấu chính diện tích 2.700 m2 (45 x 60 m), sân chuẩn bị 11.470 m2, khán đài 4.000 chỗ, hệ thống các công trình phụ trợ... Tổng vốn đầu tư khoảng 1.953,8 tỉ đồng. Điểm nhấn là nhà thi đấu có sức chứa 4.000 chỗ ngồi, đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu của môn thể thao trong nhà. Khu tập luyện đa năng có đường chạy phủ nhựa tổng hợp, phòng tập thể lực, sân bóng rổ, quần vợt..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.