9 dấu hiệu cảnh báo về trầm cảm

30/11/2014 08:38 GMT+7

(TNO) Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng trầm cảm luôn đi kèm với nỗi buồn và tuyệt vọng. Tuy nhiên, nếu cảm nhận một cơn đau bụng hoặc đột nhiên trở nên thờ ơ, bạn có thể bị trầm cảm mà không biết.


Mệt mỏi, căng thẳng với công việc có thể khiến bạn bị trầm cảm - Ảnh: Shutterstock

Theo giáo sư, tiến sĩ Richard Kravitz tại Đại học California (Mỹ), trầm cảm không phải lúc nào cũng trông giống như suy nhược, buồn bã. Đa phần các bệnh nhân không muốn xem trầm cảm là nguyên nhân của các triệu chứng một số bệnh, một phần do họ đánh đồng trầm cảm với sự yếu đuối.

Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo đáng ngạc nhiên về trầm cảm.

Đau. Khoảng 75% người trầm cảm bị đau định kỳ hoặc đau mãn tính. Trong một nghiên cứu ở Canada được công bố trên tạp chí Pain, người bị trầm cảm có 4 lần khả năng đau vai gáy và đau lưng so với những người không bị trầm cảm. Khi ở trạng thái tiêu cực, con người có khuynh hướng điều chỉnh cơ thể một cách cẩn thận hơn, và do đó họ cảm nhận sự khó chịu của các cơn đau rõ ràng hơn, tiến sĩ Kravitz giải thích. Một nghiên cứu năm 2008 trên tạp chí Archives of General Psychiatry cho thấy ở những người bị trầm cảm, hoạt động não của họ diễn ra nhiều cảm xúc và khả năng đối phó, xử lý các tổn thương cũng kém đi.

Khó giảm cân. Theo Prevention, trầm cảm có xu hướng kích thích sự thèm ăn. Thú vui ăn uống thoải mái làm tăng nồng độ serotonin trong não giúp thúc đẩy tâm trạng, nhưng nếu điều đó kéo dài trong một thời gian có thể dẫn đến tăng cân và xuất hiện cảm giác tội lỗi, xấu hổ. Một nghiên cứu trên tạp chí Obesity khẳng định mức độ căng thẳng và trầm cảm gây cản trở cho quá trình giảm cân.

Cáu kỉnh. Một rủi ro nhỏ cũng có thể làm bùng phát cơn giận dữ, cáu kỉnh, bạn có nguy cơ bị trầm cảm. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Psychiatry năm 2013, 54% người bị trầm cảm báo cáo có cảm giác thù địch, gắt gỏng, tranh cãi, nóng tính và giận dữ khi gặp chuyện không hài lòng.

Thờ ơ. Bắt đầu một ngày mới, con người đều có những việc làm cụ thể như: tập thể dục, giao tiếp xã hội, hoặc làm bữa sáng, nhưng đối với những người đang chán nản, họ không cảm thấy tha thiết với những điều đó. Thậm chí những giọt nước mắt hay nụ cười cũng không khiến họ quan tâm. Loại hành vi này tương tự như những "xác sống" và là một dấu hiệu của trầm cảm. Những người bị trầm cảm dạng này thường có vẻ lạnh lùng, xa cách và tách biệt với thế giới xung quanh. 

Uống nhiều rượu. Một nghiên cứu cho thấy gần 1/3 số người bị trầm cảm có vấn đề về rượu. Những người bị trầm cảm uống 1 ly không có vấn đề gì, nhưng chỉ cần uống đến ly thứ 3 thì có thể khuếch đại những cảm xúc tiêu cực, sự tức giận, hung hăng, lo lắng và trầm cảm hơn.


Nghiện Facebook cũng là một dạng trầm cảm - Ảnh: Shutterstock

Dán mắt vào Facebook. Nghiện mạng trực tuyến hoặc mua sắm online một cách thường xuyên cũng là một dạng của trầm cảm. Một số nghiên cứu xác nhận những người có thói quen lên mạng và thích tương tác với xã hội ảo là những người có thể bị trầm cảm. Họ cảm thấy cuộc sống thực tế quá kinh tởm nên quyết định đồng hành với thế giới trực tuyến để thoát khỏi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.

Mơ mộng. Việc mơ ước trở thành một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng hay yêu thần tượng một cách điên cuồng hoặc nghĩ đến việc làm thế nào để con mình thông minh hơn con người khác… cũng là một dấu hiệu của trầm cảm. Khoa Tâm lý học của Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi tâm trí của họ nghĩ đến những điều thực tế trong thời điểm hiện tại. Nếu tâm trí đi lang thang, nó có thể khiến con người cảm thấy tiếc nuối, lo lắng, và không hài lòng.

Không quyết đoán. Một nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy những người bị trầm cảm thường có xu hướng lừng khừng khi đưa ra quyết định dù hết sức đơn giản, chẳng hạn: ngủ hoặc thức? thay quần áo hay mặc nguyên đồ đi ngủ? ăn bột yến mạch hay trứng? đọc sách hay xem truyền hình?... Khi chán nản, quá trình nhận thức bị xáo trộn, gây ảnh hưởng đến những quyết định.

Lười đánh răng. Ngay cả thói quen đánh răng vào buổi tối cũng biến mất ở những người chán nản. Trong một cuộc khảo sát năm 2014 được tiến hành ở hơn 10.000 người tại Mỹ, 61% những người có sức khỏe răng miệng kém báo cáo bị trầm cảm. Theo các chuyên gia, không quan tâm vẻ bề ngoài là một dấu hiệu của những vấn đề xảy ra ở bên trong cơ thể.

Ngọc Khuê

>> Vượt chứng trầm cảm bằng âm nhạc
>> Bỏ thuốc lá ở người trầm cảm
>> Giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh
>> Đối phó chứng trầm cảm ở trẻ
>> Thực phẩm đối phó trầm cảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.