84% ca nhiễm HIV mới là nam giới

29/11/2021 13:32 GMT+7

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong năm 2021, các tỉnh tiếp tục rà soát các trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị để tư vấn điều trị.

Nhiều ca tử vong do AIDS chưa được báo cáo

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp mới có HIV dương tính, trong đó, 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) là biện pháp đang được áp dụng rất phổ biến tại VN

Minh Hà

Cũng từ đầu năm 2021 tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong. Trong quá trình rà soát phát hiện nhiều trường hợp tử vong chưa được báo cáo và cũng trong quá trình rà soát có một số trùng lặp đã được loại bỏ.

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong hằng năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm nhưng riêng trong nhóm MSM (men sex men - tình dục đồng giới nam) tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%).

Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm đồng tính nam (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình tại 8 tỉnh/thành phố là 6,7%, năm 2017 triển khai GSTĐ tại 9 tỉnh/thành phố tỷ lệ hiện nhiễm trung bình là 12,2%, tỷ lệ này năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia về phòng chống HIV/AIDS đánh giá, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong hằng năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm nhưng riêng trong nhóm MSM lại tăng mạnh trong những năm gần đây.

33 tỉnh, thành triển khai tự xét nghiệm HIV

Toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh. Triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp.

Tự xét nghiệm HIV được triển khai tại 33 tỉnh, thành

Minh Hà

Triển khai hoạt động tự xét nghiệm HIV tại 33 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn các tỉnh dự án PEPFAR và Quỹ toàn cầu hỗ trợ.

Cả nước có 478 cơ sở điều trị HIV (trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ Bảo hiểm y tế), 38 trại giam, 6 trung tâm và 2 trại tạm giam. Hiện cả nước đang điều trị cho khoảng 161.000 người. Trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Đến ngày 19.8.2021 đã điều trị viêm gan C miễn phí cho 1.623 bệnh nhân là người đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại 30 tỉnh (86 cơ sở).

Chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. Đến hết tháng 10, tại 3 tỉnh/thành phố thực hiện đề án thí điểm đã có hơn 1.100 bệnh nhân được cấp thuốc Methadone mang về nhà. Cũng đến hết tháng 10 có hơn 800 bệnh nhân tham gia điều trị Buprenorphine tại 8 tỉnh, thành phố.

Các địa phương đã triển khai đa dạng mô hình thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS: Đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông đại chúng nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế tiếp cận trực tiếp. Các hình thức tiếp cận cộng đồng, truyền thông cá nhân, nhóm và các hình thức khác vẫn được triển khai đa dạng với các địa phương dịch Covid-19 không bị ảnh hưởng nhiều.

Về mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), Việt Nam đã đạt: 89% số người nhiễm biết tình trạng nhiễm HIV (trong đó số người được điều trị ARV đạt 76% và 96% đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.