80% thí sinh đã xác nhận nhập học trên hệ thống

Quý Hiên
Quý Hiên
30/09/2022 10:11 GMT+7

Theo bà Nguyễn Thu Thủy , Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 80% thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống. Tỷ lệ này là cao vượt trội từ trước đến nay.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đến 17 giờ chiều nay 30.9, hệ thống xét tuyển sẽ đóng chức năng xác nhận nhập học. Sau thời điểm đó, thí sinh dẫu đã có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống được xem là từ chối nhập học.

Sáng nay, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Trong khi đó, với các năm trước, tỷ lệ xác nhận nhập học cao nhất cũng chỉ là là 63%. Riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT

Thế Đại

Theo bà Thủy, sở dĩ năm nay đạt được tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học cao như vậy là nhờ kỹ thuật lọc ảo năm nay, giúp cho các trường ĐH giảm thiểu được số lượng thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển, giữa các trường ĐH. Đồng thời, kỹ thuật lọc ảo năm nay cũng giúp thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và trường mong muốn mà không phải chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm.

Bà Thủy giải thích: “Việc xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm đã được các trường triển khai thực hiện từ năm 2021 trở về trước. Thí sinh phải đăng ký xét tuyển và nộp hồ sơ vào nhiều trường, nhiều phương thức xét tuyển. Điều này gây nên lãng phí, mất thời gian, công sức xác nhận giấy tờ của các trường phổ thông và có thể trúng tuyển vào nhiều trường nhưng chỉ có thể nhập học vào một trường.

Từ những bất cập này, để thí sinh chỉ có thể trúng tuyển với nguyện vọng mong muốn nhất vào một trường, một ngành theo một phương thức xét tuyển, năm 2022, Bộ GD-ĐT quy định tất cả các thí sinh xét tuyển theo các phương thức khác đều phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường”.

Bà Thủy cũng cho biết, trong quá trình tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo và công bố kết quả, Bộ GD-ĐT đều đã hướng dẫn để tổ kỹ thuật và các trường đại học phối hợp sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót trong quá trình nhập dữ liệu của thí sinh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh. Đến nay, hầu hết các trường hợp sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý.

Sẽ nâng cấp để hệ thống có khả năng “bắt lỗi” người dùng

Bà Thủy cũng cho biết, đến thời điểm này, ngoài một số khó khăn trong thanh toán phí xét tuyển trực tuyến (do nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia và một vài kênh thanh toán trực tuyến) và lỗi hiển thị thông tin trúng tuyển trong sáng ngày đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học (ngày 18.9), hệ thống đăng ký thi và xét tuyển của Bộ GD-ĐT không có bất kỳ lỗi nào gây "thiệt thòi" cho thí sinh.

Hệ thống tuyển sinh 2023 sẽ được nâng cấp theo hướng thân thiện hơn với người dùng (trong ảnh là thí sinh đang được nhận tư vấn từ các cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Thương Mại)

Việt thái

Về việc chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các trường ĐH phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được của năm 2022. Hướng khắc phục sẽ là các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.

Để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm.

Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn (việc hệ thống có khả năng "bắt lỗi" người dùng sẽ giúp thí sinh phát hiện ngay lập tức sai sót khi mình có thao tác không đúng trong quá trình đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, chứ không để đăng ký xong mới biết là sai như hiện nay - PV).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.