7 cách tự nhiên giúp thanh lọc phổi

Uyên Lê
Uyên Lê
26/06/2021 00:10 GMT+7

Phổi là cơ quan có khả năng tự phục hồi sau khi ngừng tiếp xúc với các chất ô nhiễm.

Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, dịch nhầy trong phổi được tiết ra để giữ cho vi khuẩn và mầm bệnh không xâm nhập được vào đường hô hấp. Dịch nhầy dư thừa có thể gây nghẹt ứ ngực và các triệu chứng khó chịu khác, theo trang Medical News Today.
Dưới đây là một số phương pháp giúp khai thông đường thở, cải thiện dung tích phổi và giảm viêm.

1. Liệu pháp xông hơi

Việc xông hơi giúp khai thông đường hô hấp và giảm dịch nhầy trong phổi. Những người bị bệnh phổi thường phát bệnh nặng hơn khi trời lạnh hoặc khô vì khí hậu này làm khô dịch nhầy trong đường hô hấp và hạn chế lưu lượng máu. Ngược lại, hơi nước nóng trong phòng xông hơi làm tăng độ ấm và độ ẩm cho không khí, giúp cải thiện hô hấp và làm lỏng chất nhầy. Hít hơi nước có thể giúp giảm đau tức thì và giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.

2. Ho có kiểm soát

Ho là cách cơ thể đào thải tự nhiên các chất độc tích tụ trong dịch nhầy. Ho có chủ ý giúp đưa chất nhầy dư thừa trong phổi ra ngoài qua đường hô hấp. Các bác sĩ khuyến cáo những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên tập ho để giúp làm sạch phổi. Các bước như sau:
• Ngồi xuống, thả lỏng vai
• Khoanh tay trước bụng
• Từ từ hít vào
• Từ từ thở ra đồng thời nghiêng người về phía trước, ép cánh tay vào bụng
• Ho 2 hoặc 3 lần trong khi thở ra, miệng hơi mở
• Từ từ hít vào
• Nghỉ và lặp lại
7 cách tự nhiên giúp thanh lọc phổi1

Tập ho giúp tống chất độc ra ngoài

ẢNH: SHUTTERSTOCK

3. Kỹ thuật dẫn lưu tư thế

Các tư thế nằm đúng sẽ giúp bạn tận dụng trọng lực để loại bỏ dịch nhầy khỏi phổi. Bài tập này còn giúp cải thiện hơi thở và điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng phổi.
Kỹ thuật dẫn lưu tư thế có nhiều kiểu, phụ thuộc vào vùng cơ thể bạn chọn tác động:
• Lưng: Nằm xuống. Đặt gối dưới hông, đảm bảo ngực thấp hơn hông. Từ từ hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Mỗi lần thở ra lâu gấp đôi thời gian hít vào (nhịp thở 1: 2). Lặp lại trong vài phút.
• Dọc thân: Nằm nghiêng sang bên trái, tựa đầu vào cánh tay hoặc gối. Đặt gối dưới hông. Thực hành nhịp thở 1: 2. Tiếp tục trong vài phút. Nằm nghiêng qua bên phải và lặp lại.
• Bụng: Đặt một chồng gối trên sàn. Nằm úp bụng lên gối, giữ phần hông cao hơn ngực. Gấp cánh tay dưới đầu. Thực hành thở 1: 2. Tiếp tục trong vài phút.

4. Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Tập thể dục buộc các cơ phải vận động nhiều hơn, làm tăng nhịp thở của cơ thể, dẫn đến việc cung cấp nhiều ô xy hơn cho các cơ. Nó cũng cải thiện lưu thông khí huyết, hỗ trợ cơ thể loại bỏ khí CO2 dư thừa. Những người bị bệnh phổi mãn tính, xơ nang hoặc hen suyễn nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có chế độ tập thể dục phù hợp.

5. Trà xanh

Theo trang Medical News Today, trà xanh có chứa nhiều chất chống ô xy hóa, giúp giảm viêm phổi. Những hợp chất trong trà xanh thậm chí có thể bảo vệ mô phổi khỏi tác hại của việc hít phải khói thuốc.
Một nghiên cứu đăng trên trang The Journal of Nutrition, tiến hành trên 1.000 người trưởng thành ở Hàn Quốc đã chỉ ra rằng những người uống ít nhất 2 tách trà xanh mỗi ngày có chức năng phổi tốt hơn những người không uống.

6. Ăn thực phẩm kháng viêm

Viêm đường hô hấp gây khó thở và khiến ngực có cảm giác nặng nề, tắc nghẽn. Ăn thực phẩm kháng viêm như nghệ, rau lá, quả anh đào, quả việt quất, quả ô liu, hạt óc chó, đậu, đậu lăng có thể giúp giảm các triệu chứng này.

7. Gõ ngực thủ công

Phương pháp gõ ngực là một cách hiệu quả khác để loại bỏ dịch nhầy dư thừa khỏi phổi. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia trị liệu hô hấp sẽ dùng bàn tay khum gõ nhịp nhàng vào thành ngực để đánh bật chất nhầy bị mắc kẹt trong phổi. Kết hợp gõ ngực và dẫn lưu tư thế sẽ tăng hiệu quả làm sạch đường hô hấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.