65 dược liệu dễ bị nhầm loài, làm giả

30/05/2016 06:57 GMT+7

Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) trên toàn quốc.

Kết quả cho thấy, vẫn còn xuất hiện nhiều dược liệu, vị thuốc không đảm bảo chất lượng lưu hành phổ biến trong các cơ sở khám chữa bệnh và trên thị trường.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do: dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; các cơ sở khám chữa bệnh chỉ kiểm tra chất lượng bằng cảm quan; năng lực trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố chưa đáp ứng được việc kiểm soát chất lượng dược liệu trên địa bàn.
Để kiểm soát tốt chất lượng dược liệu, vị thuốc YHCT trong các cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý y, dược cổ truyền đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khi kiểm nhập dược liệu, vị thuốc YHCT vào trong đơn vị, nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau: Đối với các dược liệu, vị thuốc YHCT nhập khẩu, đơn vị cung ứng phải cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng lô dược liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và có xác nhận của Cục Quản lý y, dược cổ truyền; giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế (C/Q) đối với từng lô dược liệu.
Cục Quản lý y, dược cổ truyền đã lên danh sách 65 loại dược liệu sử dụng nhiều trong các cơ sở điều trị, kinh doanh, yêu cầu các cơ sở phải có mẫu loài đối chứng, tránh cho việc sử dụng nhầm lẫn hoặc dược liệu giả đối với 65 dược liệu này; danh sách 25 loại dược liệu yêu cầu phải có phiếu kiểm nghiệm (là các mẫu từng bị phát hiện hoạt chất kém, không đảm bảo chất lượng điều trị).
Một lãnh đạo của cục này cho biết đặc biệt lưu ý một số dược liệu thường bị nhầm loài dùng trong các cơ sở điều trị như: thăng ma, thiên ma, hoài sơn, ý dĩ, hoàng kỳ, khương hoạt, độc hoạt, kê huyết đằng, thổ phục linh (là các vị được dùng trong các bài thuốc nâng cao thể trạng, điều trị tai biến mạch máu não, xương khớp...).
Các dược liệu giả, dược liệu bị nhầm loài thường được thay thế bằng những loài khác rẻ tiền hơn, chênh lệch cả triệu đồng/kg, hoặc có giá trị chỉ bằng 22 - 30% so với dược liệu thật, một số dược liệu bị nhuộm màu, không có hoạt chất.
Đáng lưu ý, từng phát hiện mẫu thỏ ti tử trên thị trường làm bằng bột, đất, bên trong là lõi tròn nhỏ cứng như sắt. Việc sử dụng dược liệu giả, nhầm loài, lẫn tạp chất không có hoạt chất chữa bệnh ảnh hưởng xấu đến chất lượng điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.