6 người 'hôi của' 30 triệu đồng: Người lớn xúi con trẻ lượm tiền, bài học quá sai!

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
03/02/2021 13:29 GMT+7

Trong số 6 người tham gia lượm tiền trong vụ cô gái bị 'hôi của' có một người phụ nữ chở theo trẻ em nhưng không xuống xe mà để cho đứa bé ở phía sau xe xuống để nhặt tiền khiến nhiều người phẫn nộ và ngao ngán. Đó là bài học học giáo dục quá sai đối với con trẻ.

Đã có 3 người chịu trả lại tiền

Những ngày qua vụ việc về 6 người tham gia “hôi của” 30 triệu trong vòng 15 giây vẫn gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên hiện tại chỉ mới có 3 người trong số 6 người tham gia vụ “hôi của” trao trả lại số tiền.

Vụ “hôi của” 30 triệu: Người đàn ông áo tím chuyển khoản trả 1,5 triệu

Sau khi được cơ quan chức năng vào cuộc và truyền thông liên tục đưa tin thì đến ngày 1.2 đã có 3 người liên hệ cơ quan chức năng để trao trả số tiền cho Bảo Trân gồm người phụ nữ bán nước vỉa hè, người đàn ông lái xe hiệu Air Blade và người đàn ông mặc áo màu tím quần dài xuất hiện phía sau chiếc xe ô tô màu trắng.
Cụ thể, vào trưa ngày 31.1, người phụ nữ bán nước sau khi làm việc với cơ quan chức năng cảm thấy vô cùng có lỗi và trao trả số tiền 15 triệu đồng lượm được. Cộng với 4 triệu đồng trao trả cho Bảo Trân trước đó, tổng số tiền được trao lại là 19 triệu đồng.

Có 6 người tham gia lượm tiền của cô gái đánh rơi trên đường

Ảnh: Cắt từ clip

Sáng ngày 1.2, tiếp tục có thêm một người đàn ông lái xe máy hiệu Air Blade liên hệ với cơ quan chức năng để trao trả số tiền 1,5 triệu đồng. Người đàn ông này thành thật khai báo đây là toàn bộ số tiền nhặt được vào ngày 28.1. Chiều ngày 2.2, một người đàn ông tham gia nhặt tiền cũng đã liên hệ cơ quan chức năng sau đó chuyển vào tài khoản của Bảo Trân 1,5 triệu đồng số tiền nhặt được.
Ngày 2.2,  chị Trân cũng nhận được 14 triệu đồng từ nhà hảo tâm quyên góp. Tổng số tiền Bảo Trân đã nhận lại được là 22 triệu đồng cộng với 17 triệu đồng được quyên góp, hiện chị Trân đã có 39 triệu đồng, hoàn tất việc trả nợ và sắp xếp về quê ăn Tết cùng gia đình.
Như vậy, trong số 6 người tham gia “lượm tiền” vẫn còn có người đàn ông là shipper, người phụ nữ chở theo trẻ em và tài xế taxi chưa có thông tin trả lại tiền.
Đặc biệt, riêng trường hợp người phụ nữ chở theo trẻ em nhưng ngồi trên xe rồi để đứa bé xuống đường nhặt tiền khiến nhiều người phẫn nộ. Đa số cư dân mạng đều bức xúc trước hành động làm ngơ, thậm chí là "kêu đứa bé" để đứa bé xuống lượm tiền sau đó rời đi.
Tài khoản Th Trang bình luận: “Thấy người ta rớt nhặt trả lại cho người ta, người phụ nữ không biết có phải là mẹ của đứa bé không nhưng cũng để đứa bé xuống nhặt rồi bỏ đi thì không thể nói nổi, đúng là…”
Tài khoản Nhi minh cùng quan điểm: “Có ai dạy con gặp của rơi đừng nhặt, hay nhặt được trả lại cho người ta không? Bây giờ cha mẹ nào cũng nên dạy con vậy để không phải xảy ra những sự việc như thế này nữa”.

Phẫn nộ cảnh 'hôi của' 15 giây, lấy sạch 30 triệu của cô gái mang tiền đi trả nợ

Giáo dục đạo đức cho trẻ em rất quan trọng

Cách đây không lâu, mạng xã hội xôn xao về một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ chở theo trẻ em ghé vào mua nước và để đứa bé xuống lấy trộm tiền của bà cụ bán nước ở vỉa hè. Tương tự, vụ việc từng khiến nhiều người bất bình.
Là một người mẹ có con nhỏ, chị Lê Cẩm Hồng (25 tuổi) bức xúc sau khi xem xong đoạn clip “hôi của” được lan truyền trên mạng xã hội. Đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ dừng xe và làm ngơ khi thấy đứa bé ở phía sau xe xuống để nhặt tiền.
“Nếu ở trường học các bé sẽ được dạy là nhặt được của rơi trả lại người mất nhưng trong trường hợp này người phụ nữ lại làm ngơ khi thấy đứa bé nhặt tiền, hành động nhặt được của rơi nên trao trả cho người bị mất. Là một người mẹ tôi nhận thấy trẻ em từ khi sinh ra biết nhận thức sẽ từ từ bắt chước hành động của người lớn đặc biệt là tính cách của bố mẹ và người thân, nên người lớn nên làm gương cho trẻ nhỏ”, chị tâm sự.

Khi tiền trên đường đã được nhặt hết người phụ nữ và đứa bé mới rời đi

Ảnh: Cắt từ clip

Như những chia sẻ luật sư Bùi Quốc Tuấn thuộc Đoàn luật sư TP.HCM trên Thanh Niên, hành vi “lượm tiền” nhưng cố ý không trả tiền cho người bị rơi tiền có thể sẽ bị xử phạt hành chính thậm chí là xử lý hình sự.
Cũng theo luật sư, trường hợp người lớn làm ngơ khi thấy trẻ em thực hiện hành vi sai trái vi phạm đạo đức và pháp luật, không nên quy chụp truy trách nhiệm cho người lớn mà vấn đề nằm ở chỗ giáo dục đạo đức cho trẻ em từ nhà trường và gia đình, khi nhặt của rơi thì phải trả lại.
“Trong xã hội hiện nay, đâu đó tiền bạc và vật chất đã có sức lôi cuốn và làm băng hoại đạo đức con người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin tưởng rằng, còn đó những hành động, những nghĩa cử cao đẹp như các em biết cách ứng xử trả lại, đó là hành động đẹp và nhiều người khác trong xã hội tiến bộ và văn minh hơn”, luật sư nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.