6 năm thi hành Hiến pháp, Chính phủ vẫn 'nợ' luật về Hội, luật Biểu tình

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/10/2020 10:19 GMT+7

Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy, sau 6 năm thực hiện, vẫn còn 20/89 dự án luật, pháp lệnh thuộc danh mục phải ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 vẫn chưa được ban hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 718 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp.
Theo đó, trong 89 dự án luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành theo Nghị quyết 718 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn còn 20 dự án luật chưa được ban hành.
20 luật này gồm có 6/26 luật thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị; 4/15 luật thuộc lĩnh vực pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; 5/38 luật thuộc lĩnh vực pháp luật về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; 4/10 luật thuộc lĩnh vực pháp luật về bảo vệ Tổ quốc.
Trong số 20 luật này, chỉ có 2 luật mà cơ quan chủ trì là Chủ tịch nước và TAND tối cao là luật Chủ tịch nước và luật Tố tụng lao động, còn lại 18 luật cơ quan chủ trì là Chính phủ.
Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định đây là một hạn chế khi tới nay các luật này vẫn chưa được đưa vào hoặc đã được đưa vào nhưng rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, nguyên nhân do Hiến pháp có nhiều nội dung mới, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để kịp thời thể chế hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp dẫn đến số lượng văn bản cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới là rất lớn.

Trình vào thời điểm thích hợp

Báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án luật còn “tồn đọng”, báo cáo của Chính phủ cho hay, có 8 dự án luật, pháp lệnh các cơ quan đề xuất không xây dựng vì nội dung đã được điều chỉnh tại các luật hiện hành hoặc dự kiến sẽ lồng ghép vào các luật khác trong thời gian tới (như dự án luật Chủ tịch nước, luật Tố tụng lao động, luật Tiền lương tối thiểu, luật Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, luật Chứng thực, luật Truy nã tội phạm, luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức, luật Tiền lương tối thiểu, luật Hiến máu…).
Một số dự án luật, pháp lệnh đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng phải rút ra do có vấn đề mới, phức tạp hoặc trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên cần tiếp tục được nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam (như dự án luật về Hội, luật Biểu tình, luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…).
Về luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, báo cáo cho biết, Chính phủ đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, sau đó Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.
Đối với luật về Hội, Chính phủ đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về một số vấn đề lớn, quan trọng của dự án luật này. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.
Đối với luật Biểu tình, Chính phủ cho hay, đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án luật này, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, tạo sự thống nhất cao, bảo đảm chất lượng và tính khả thi; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, còn có pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp và luật Dân số cũng được Chính phủ rút ra khỏi chương trình để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Chính phủ cũng cho biết, một số dự án luật, pháp lệnh còn lại đang được để đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sắp tới (như dự án luật Tình trạng khẩn cấp, luật Bình đẳng giới (sửa đổi), luật Công nghiệp quốc phòng…).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.