6 giờ căng thẳng cứu người đàn ông mang khối u khổng lồ trên mặt 10 năm

Lê Cầm
Lê Cầm
25/06/2022 15:29 GMT+7

Nam bệnh nhân L.Q.K (54 tuổi, ngụ TP.HCM), làm nghề chạy xe ôm, mang khối u nặng hơn 1kg trên mặt suốt 10 năm, khối u luôn trong tình trạng căng tức, xuất hiện dấu hiệu hoại tử.

Cách đây vài ngày, khối u bắt đầu lở loét, ngày 24.6 dịch mủ không ngừng tuôn trào, ê kíp Bệnh viện JW khẩn trương cấp cứu cứu bệnh nhân.

6 tiếng chạy đua giành lại sinh mạng bệnh nhân

Trước khi phẫu thuật, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung (Bệnh viện JW) thực hiện đo vẽ xác định trước các đường mạch máu, dây thần kinh để tránh ảnh hưởng đến bệnh nhân. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, ca phẫu thuật cấp cứu chính thức bắt đầu lúc 6 giờ sáng 24.6. Do khối u khổng lồ nằm chèn ngang cổ bệnh nhân nên ê kíp cử một nhân viên điều dưỡng giữ điểm tựa đầu xuyên suốt cho bệnh nhân nhằm tránh trường hợp khó thở.

“Khối u vỡ, nhét gạc chặt cầm máu nhanh”, y lệnh của bác sĩ phẫu thuật vừa dứt thì bác sĩ gây mê tiếp lời "buông tay, đặt nội khí quản, oxy tụt 80%”. Monitor không ngừng báo động.

Theo ê kíp phẫu thuật, khó khăn của ca phẫu thuật là khối u đã phát triển quá lâu, quá sức chịu đựng của một người bình thường. Bên trong khối u có thể chỉ là một khối máu đông khổng lồ, nhưng cũng có thể bầy nhầy mô thịt, thậm chí là xương hoại tử.

Khối u khổng lồ trên gương mặt bệnh nhân trước phẫu thuật

bvcc

Mất máu hay thiếu oxy bệnh nhân đều có thể tử vong

Theo bác sĩ Tú Dung, bệnh nhân nhập viện trong trong tình trạng khối u đã vỡ, dòng máu đỏ ồ ạt tuôn trào ướt đẫm miếng gạc y tế. Gần 100 miếng gạc y tế cũng không đủ để ngăn dòng màu tuôn xối xả.

Không thể để bệnh nhân rơi vào nguy kịch hơn, bác sĩ Tú Dung chỉ đạo ê kíp dùng mặt nạ bơm oxy qua miệng trước, dùng gạt chèn ép cầm máu, nhanh tay đặt ngay nội khí quản. Khó khăn phát sinh khi ê kíp không thể tìm thấy đường vào thanh môn (đường thở) của bệnh nhân, do khối u nặng gần 1kg đã chèn ngang.

Ê kíp gây mê hồi sức gồm hai bác sĩ chuyên môn phải căng mắt, dùng hết sức lực để cảm nhận, nhanh chóng tìm đường đặt nội khí quản nhanh nhất. Bệnh nhân không thể chờ lâu hơn được nữa.

“Nâng huyết áp, nâng oxy”, một bác sĩ hô to. SpO2 từ 90% tụt xuống 60%, huyết áp tụt và điện tim mờ dần. Dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đang hết sức nguy kịch.

Ngay lúc cả ê kíp cảm giác như rơi vào bế tắc nhất, thông báo từ trưởng khoa Gây mê Hồi sức như giải tỏa mọi căng thẳng: “Tìm ra rồi…". Ê kíp đã tìm được đường vào thanh môn để đặt nội khí quản thành công. Những tia hy vọng đã bắt đầu le lói.

Ê kíp căng thẳng trong ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân

bvcc

Bác sĩ Tú Dung yêu cầu điều dưỡng nhanh chóng tiêm trực tiếp dịch truyền, tiêm thẳng Adrenaline, liên hệ với các bệnh viện đa khoa hỗ trợ 4 đơn vị máu vì bệnh nhân mất máu quá nhiều.

Ngay khi đảm bảo mọi dấu hiệu sinh tồn đều bình thường, cả ê kíp tiếp tục bước vào hành trình kiểm soát cầm máu. Ê kíp bắt đầu thăm dò toàn bộ phẫu trường, cắt lọc từng khối hoại tử, cắt bỏ từng đoạn xương thối rữa, gắp nhặt từng mô tuyến nước bọt vỡ vụn.

Ròng rã suốt 6 tiếng đồng hồ, ca đại phẫu cấp cứu đầu tiên cho bệnh nhân đã thành công vượt mong đợi.

Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, da dẻ hồng hào, khối u đã chính thức được loại bỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.