50 y, bác sĩ của Bệnh viện C Đà Nẵng chi viện cho TP.HCM

An Dy
An Dy
12/08/2021 12:23 GMT+7

Sáng 12.8, đoàn 50 y, bác sĩ của Bệnh viện C Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng) lên đường chi viện nhân lực y tế cho Bệnh viện hồi sức bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM.

Đây là chuyến thứ 2 đoàn y, bác sĩ Bệnh viện (BV) C Đà Nẵng được điều động tăng cường hỗ trợ các đồng nghiệp ở vùng có dịch Covid-19 (trước đó đoàn tăng cường hỗ trợ Bắc Giang).

Tối 12.8: Thông báo thêm 326 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

BS.CKII Cao Chí Hiếu, Trưởng đoàn BV C Đà Nẵng, cho biết đoàn có 50 y, bác sĩ (trong đó có 15 bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu và đa khoa, 35 điều dưỡng và kỹ thuật viên) được tăng cường đến một trong 3 Bệnh viện (BV) Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.
Cụ thể, đoàn y, bác sĩ sẽ di chuyển bằng xe đến Sân bay Phú Bài (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) sau đó bay vào TP.HCM. “Tầm trưa (12.8) nay là có mặt để sẵn sàng vào vị trí điều động”, một bác sĩ trong đoàn tình nguyện cho biết.

ThS BS Nguyễn Trọng Thiện dặn dò, động viên các đồng nghiệp "phải an toàn" trong quá trình chi viện chống dịch

Ảnh: An Quân

Có mặt tại lễ tiễn và động viên các y, bác sĩ lên đường làm nhiệm vụ, Th.S BS Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc BV C Đà Nẵng, cho biết: “Lực lượng tình nguyện lên đường đều là những y bác sĩ trẻ, nhiệt tình, năng động. Nhiều người trong số họ có kinh nghiệm chinh chiến ở đợt dịch Bắc Giang, hy vọng mọi người giữ được an toàn cho toàn đội, đó điều quan trọng nhất lúc này”.
Cũng theo BS Thiện, đợt này đoàn 50 y, bác sĩ đi trước, sau đó đơn vị sẽ chủ động thêm 1 đoàn khoảng 50 y, bác sĩ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ, sẵn sàng điều động đến TP.HCM và các tỉnh lân cận có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Nai...

TP.HCM có thể vận động bệnh nhân Covid-19 xuất viện tham gia chống dịch

Liên tục đi “đánh” dịch khi “tóc còn chưa kịp mọc lại”

Chúng tôi gặp bác sĩ Phan Văn Chung, chuyên khoa hồi sức tích cực, ở lễ tiễn đoàn lên đường nhận nhiệm vụ, Một điểm thú vị là chúng tôi nhận ra mái tóc của BS Chung đã cạo trọc ở đợt tăng cường Bắc Giang về vẫn còn chưa kịp mọc lại.
BS Chung cho biết anh vừa đi tăng cường y tế một tháng ở Bắc Giang về, rồi làm việc chuyên môn tại đơn vị, giờ lại xin lên đường khi “tóc còn chưa kịp mọc”. “Chuyến này, anh em đi thì xác định sẽ lâu hơn Bắc Giang, vì dịch diện rộng, diễn tiến phức tạp. Tinh thần anh em xác định chuyến này sẽ khó khăn hơn rất nhiều, cả thời gian lẫn mật độ công việc, cả nguy cơ đối với dịch bệnh”, BS Chung nói.
Dù đã có kinh nghiệm “chiến đấu” tại Bắc Giang, khi Bắc Giang là tâm dịch Covid-19, cũng đã hình dung phần nào điều kiện sinh hoạt và làm việc ở vùng dịch bệnh, nhưng BS Chung vẫn luôn chủ động lường mọi tình huống, xác định đặt nguyên tắc an toàn cho toàn đội lên hàng đầu.
“Hiện tình hình dịch bệnh ở TP.HCM xác định là rất phức tạp, anh em xác định tự nguyện trên tinh thần “chiến đấu hết mình”, “xung phong tuyến đầu”. Thông thường các đoàn trước khoảng tầm một tháng là thay ca, nhưng vào địa bàn TP.HCM hiện tại thì có thể sẽ lâu hơn... Chưa kể chúng tôi còn chuẩn bị cả tư thế tăng cường tiếp sức cho các tỉnh phía phía lân cận Nam khi cần. Trước mắt thì tập trung hết sức, chung tay cùng TP.HCM chống dịch”, BS Phan Văn Chung, BV C Đà Nẵng, chia sẻ.

Bệnh viện T.Ư Huế tăng cường bác sĩ cho tuyến cuối chữa trị Covid-19

Sáng 12.8, Bệnh viện T.Ư Huế (Thừa Thiên - Huế) tiếp tục làm lễ xuất quân chi viện nguồn nhân lực, vật tư y tế cho Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương Huế tại TP.HCM. Đoàn gồm 300 cán bộ y tế, điều dưỡng, kỹ thuật viên vào TP.HCM để sớm hoàn thiện hệ thống thiết bị y tế của Trung tâm Hồi sức Covid-19 T.Ư Huế tại TP.HCM để tiến hành cấp cứu, thu dung, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

300 cán bộ y tế, điều dưỡng, kỹ thuật viên vào TP.HCM để sớm hoàn thiện hệ thống thiết bị y tế của Trung tâm Hồi sức Covid-19 T.Ư Huế tại TP.HCM

Ảnh: B.N.L.

Trước đó, ngày 9.8, Bệnh viện T.Ư Huế cũng đã cử đoàn gồm 17 cán bộ, y bác sĩ và kỹ thuật viên cùng với một số lượng lớn trang thiết bị, vật tư y tế để bổ sung, hoàn thiện Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM. Trung tâm được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân Covid-19, có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.
“Vấn đề chính cần quan tâm nhất của TP.HCM tại thời điểm này là phải cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong. Chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế một trung tâm có công năng tối ưu nhất, vừa đảm bảo phối hợp hoạt đông nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng, vừa đảm bảo các biện pháp phòng dịch để không bị lây nhiễm chéo”, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết.
Sáng cùng ngày, 121 nhân viên y tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế chi viện các tỉnh phía Nam đã về đến TP.Huế. Chuyến bay quay đầu sẽ tiếp tục đưa đoàn y, bác sĩ của BV TƯ Huế vào phụ trách Bệnh viện hồi sức cấp cứu tuyến cao nhất với quy mô 500 giường tại TP.HCM, cứu chữa bệnh nhân nặng mắc Covid-19 . 
Toàn bộ lực lượng nhân viên y tế về tỉnh sẽ được cách ly ở khách sạn Điện Biên. Còn lực lượng chi viện đợt này sẽ tiếp quản ngay Bệnh viện dã chiến 500 giường vừa được xây dựng ở Q.Tân Phú (TP.HCM).
Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.