5 tiêm kích Rafale vượt hơn 7.000 km từ Pháp về Ấn Độ

28/07/2020 19:39 GMT+7

5 chiếc tiêm kích Rafale đầu tiên của Không quân Ấn Độ cất cánh từ Pháp ngày 27.7 và đến Ấn Độ ngày 28.7, được cho sẽ bố trí ở khu vực gần biên giới tranh chấp Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc .

Theo Hindustan Times ngày 28.7, 5 chiếc tiêm kích này gồm 3 chiếc loại 1 chỗ ngồi và 2 chiếc loại 2 chỗ ngồi (dùng để huấn luyện) do phi công Ấn Độ điều khiển đã cất cánh từ cơ sở của tập đoàn hàng không Dassault ở  Merignac (Pháp) chiều ngày 27.7. Đi cùng là 1 máy bay tiếp nhiên liệu Airbus A 330 của Không quân Pháp.

Sau chặng bay dài 7 tiếng đồng hồ, các máy bay này dừng chân tại căn cứ không quân Al Dhafra gần Abu Dhabi (UAE).

Quan chức Ấn Độ và Pháp cùng phi công Ấn Độ tại sự kiện 5 chiếc Rafale từ Pháp bay về Ấn Độ, tại Merignac ngày 27.7

Dassault

Sáng 28.7, đội bay Rafale của Ấn Độ tiếp tục chặng 2 bay về nước và lần này việc tiếp nhiên liệu trên không do Không quân Ấn Độ đảm trách bằng máy bay Il-78. Quãng đường bay từ Pháp về Ấn Độ khoảng 7.300 km.

Nơi đến của 5 chiếc Rafale này là căn cứ không quân Ambala (bang Haryana, phía bắc Ấn Độ). Cả 5 chiếc tiêm kích này sẽ được biên chế vào phi đoàn số 17 “Mũi tên vàng”. Ambala cách khu vực biên giơi Pakistan và Trung Quốc khoảng 200 km, theo Đài Al Jazeera. 

Tiêm kích Rafale của Không quân Ấn Độ ra đường băng chuẩn bị cất cánh

Không quân Ấn Độ

Đây là 5 chiếc đầu tiên trong tổng số 36 chiếc Rafale mà Ấn Độ ký hợp đồng đặt mua từ Pháp vào tháng 9.2016, tổng trị giá vào thời điểm ký kết là 590 tỉ rupi (7,8 tỉ euro, khoảng 8,7 tỉ USD).

Ban đầu Ấn Độ dự định mua 126 chiếc Rafale, trong đó 108 chiếc sẽ được chế tạo tại Ấn Độ với linh kiện nhập từ Pháp. Tuy nhiên cuối cùng Ấn Độ chỉ đặt mua 36 chiếc và nhập khẩu hoàn toàn. Dự kiến đến cuối năm nay Ấn Độ sẽ nhận đủ 31 chiếc còn lại.

Đây cũng là những chiếc tiêm kích đầu tiên được nhập khẩu sau 23 năm kể từ khi Không quân Ấn Độ mua tiêm kích Su-30 của Nga (tháng 6.1997). Trước đó, vào giữa những năm 1980, Không quân Ấn Độ đã trang bị tiêm kích Mirage-2000 cũng do Dassault chế tạo.

Một chiếc Rafale của Ấn Độ được máy bay Không quân Pháp tiếp nhiên liệu khi đang bay trên Địa Trung Hải, ngày 27.7

Không quân Ấn Độ

Các chiến đấu cơ Rafale của Ấn Độ sẽ được trang bị tên lửa đối không Meteor tầm xa (trên 100 km), tên lửa đối không tầm gần Mica (tầm bắn từ 0,5 - 60 km) và tên lửa hành trình tấn công mặt đất Scalp (tầm bắn 300 - 600 km) đều do châu Âu sản xuất.

[VIDEO] Rafale, chiến đấu cơ chủ lực Pháp đến thăm Việt Nam, có gì đặc biệt?

Rafale là loại tiêm kích 2 động cơ, có 1 hoặc 2 chỗ ngồi, hãng Dassault cho ra mắt từ năm 2001. Rafale của Không quân Ấn Độ trang bị radar quét mảng pha chủ động, hệ thống dò tìm tín hiệu hồng ngoại, hệ thống gây nhiễu, động cơ khởi động ở chế độ lạnh để có thể hoạt động ở vùng núi cao. Các thông số kỹ thuật đều hiển thị trên mũ của phi công.

Rafale khi mang đầy đủ vũ khí

Không quân Pháp

Hindustan Times dẫn lời một nguồn tin thân cận nhà sản xuất cho biết: “Trọng lượng rỗng của Rafale khoảng 10 tấn, và trọng lượng tối đa khi cất cánh đến 25 tấn, tính ra Rafale có thể mang được tải lớn hơn trọng lượng của chính nó đến 1,5 lần”. Như vậy Rafale có thể mang đến 10 tấn vũ khí qua 14 mấu treo dưới cánh và thân, cùng 5 tấn nhiên liệu. Bán kính chiến đấu của loại tiêm kích này khoảng 1.850 km.

Loại tiêm kích này còn có khả năng mang được vũ khí hạt nhân loại nhỏ.

Phía Pháp đã làm lễ bàn giao tượng trưng các chiếc Rafale này cho Ấn Độ hồi tháng 10.2019 tại buổi lễ có sự chứng kiến của bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Pháp Florence Parly ở Merignac. Các phi công và kỹ thuật viên Ấn Độ cũng đã được phía Pháp huấn luyện đào tạo trong 3 năm qua để phục vụ việc khai thác sử dụng tiêm kích Rafale.

Xem tiêm kích Rafale của Không quân Ấn Độ cất cánh bay từ Pháp về nước

Rafale Ấn Độ cất cánh bay về nước


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.