5 phận người lao đao lận đận vướng vòng lao lý án oan từ 34 năm trước

13/11/2021 17:48 GMT+7

Mặc dù không thu thập được đầy đủ chứng cứ, nhưng cơ quan chức năng vẫn truy tố, kết án oan khiến 5 người đàn ông ở xã Liên Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình ) cùng người thân lao đao lận đận nhiều năm trời.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 12.11, tại trụ sở UBND xã Liên Trạch, TAND H.Bố Trạch đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với 5 người: Đinh Xuân Hồ (60 tuổi), Hoàng Trọng Lưu (66 tuổi), Đinh Xuân Kỳ (66 tuổi), Trần Văn Ổn (67 tuổi) và Đinh Xuân Tạo (sinh năm 1927, hiện đã mất).

4 người bị oan sai hiện còn sống tại buổi TAND H.Bố Trạch tổ chức xin lỗi, cải chính

n.đ

2 lần xét xử, tuyên án thiếu chứng cứ

Lật lại hồ sơ vụ việc, năm 1987, kho nông sản của HTX mua bán Liên Trạch bị cắt khóa cửa lấy trộm 187kg lạc và 34kg tiêu hạt. Sau đó, Cơ quan CSĐT (Công an H.Bố Trạch) đã kết luận 5 người trên là thủ phạm, có hành vi “trộm cắp tài sản XHCN”; ông Đinh Xuân Hồ là chủ mưu.

Đến năm 1988, TAND H.Bố Trạch xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Đinh Xuân Hồ 36 tháng tù giam, Hoàng Văn Lưu 24 tháng tù giam, Trần Văn Ổn và Đinh Xuân Kỳ cùng chịu 18 tháng tù giam, Đinh Xuân Tạo bị cảnh cáo. Cho rằng bị oan sai, 4 người (trừ Đinh Xuân Tạo) đã viết đơn kháng cáo kêu oan.

Năm 1989, TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu do không thu thập được chứng cứ đầy đủ mà chủ yếu dựa vào lời khai các bị cáo. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo lại không nhận tội và không có chứng cứ đối chiếu…

Năm 1990, TAND H.Bố Trạch mở phiên tòa sơ thẩm lần hai. HĐXX vẫn giữ nguyên tội danh “trộm cắp tài sản XHCN” đối với 5 bị cáo; đồng thời tuyên tăng mức án nặng hơn. Các bị cáo tiếp tục kêu oan, viết đơn kháng cáo.

Tương tự như lần trước, tòa án cấp trên lại quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 vì cho rằng vụ án có tính chất phức tạp, một số hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, không được lưu đầy đủ và có hệ thống; phần chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của một số bị cáo chưa vững chắc mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được.

Lần này, HĐXX phúc thẩm rút hồ sơ giao cho cơ quan cấp tỉnh điều tra bổ sung, truy tố, xét xử. Qua điều tra, xác minh củng cố chứng cứ thấy không có cơ sở chứng minh hành động phạm tội của các bị can nên năm 1991, Phòng CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Những người bị oan sai và người dân có mặt tại buổi xin lỗi, cải chính đều vui mừng, phấn khởi; đồng thời mong muốn, các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có liên quan.

Những ngã rẽ cuộc đời và hành trình gian nan phục hồi danh dự

Việc khởi tố, giam giữ và kết án oan đó đã đẩy 5 người như rơi xuống địa ngục, cuộc đời họ bị thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng xấu. Mấy chục năm kinh tế gia đình họ suy kiệt, họ cũng đau ốm triền miên. Không chỉ vậy, người thân của họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Án oan khiến số phận, cuộc đời của những người đàn ông này gặp gian truân

n.t.l

Ông Đinh Xuân Hồ nhớ lại trong sự cay đắng: “Gia đình tôi giàu truyền thống cách mạng, tôi là cán bộ địa phương, tương lai đang rộng mở phía trước. Đùng một cái tôi trở thành tội phạm, ăn cắp tài sản XHCN, đau đớn lắm!”. Còn ông Hoàng Trọng Lưu là quân nhân xuất ngũ; lúc bị bắt, ông làm thủ quỹ HTX. Ông Đinh Xuân Kỳ thì bị tạm giữ để điều tra vào đêm ngay trước ngày ông lên đường ra Hà Nội nhận công tác. Sự nghiệp của ông Kỳ tan tành từ đó…

Ngay khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, ông Đinh Xuân Hồ đã nhiều lần gửi đơn đề nghị giải oan và khôi phục các quyền lợi liên quan nhưng thời gian trôi đi mà mãi chưa được giải quyết.

Rồi những khó khăn, những quay cuồng trong cơm áo gạo tiền khiến nhiều lúc các ông bẵng quên đi án oan lơ lửng trên đầu.

“Mấy chục năm qua, chúng tôi cũng bị bỏ quên rồi. Nhưng nhiều đêm suy tư, tôi day dứt, hy vọng đến một ngày nào đó được sáng tỏ để con cháu chúng tôi sau này không phải chịu tiếng xấu”, ông Đinh Xuân Hồ tâm sự.

Vì vậy, năm 2020, ông Đinh Xuân Hồ lại hành trình đi tìm công lý, mong một ngày được công khai phục hồi danh dự, nhân phẩm.

Ông Đinh Xuân Hồ phát biểu tại buổi xin lỗi

n.đ

Không được đền bù vật chất

Trong 5 người bị án oan thì có 4 người bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ điều tra. Cụ thể, ông Đinh Xuân Hồ và Trần Văn Ổn bị giam giữ 136 ngày, ông Đinh Xuân Kỳ 125 ngày và ông Hoàng Trọng Lưu 68 ngày.

Thế nhưng sau khi được đình chỉ điều tra vụ án, mọi thứ cũng bị bỏ rơi từ đó.

Quyết định đình chỉ điều tra vụ án

t.l

Trong đơn mới nhất, các ông Đinh Xuân Hồ, Trần Văn Ổn, Hoàng Trọng Lưu, Đinh Xuân Kỳ yêu cầu bồi thường vật chất, phục hồi danh dự và tổ chức xin lỗi công khai.

Tuy nhiên, các yêu cầu bồi thường vật chất vì án oan sai không được chấp nhận.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Chánh án TAND H.Bố Trạch Nguyễn Xuân Diệu, lý giải việc không bồi thường trường hợp án oan sai này: “Căn cứ thực hiện yêu cầu bồi thường là quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Trước đây, ông Đinh Xuân Hồ gửi đơn nhiều nơi nhưng lại không gửi cho tòa án các cấp và không có cơ quan nào chuyển đơn đến TAND H.Bố Trạch. Còn các ông Hoàng Trọng Lưu, Đinh Xuân Kỳ, Trần Văn Ổn thì từ lúc có quyết định đình chỉ đến tháng 1.2021 mới có đơn yêu cầu. Như vậy, căn cứ vào Luật trách nhiệm bồi thường năm 2009 và Luật trách nhiệm bồi thường năm 2017 thì thời hiệu yêu cầu bồi thường vật chất đã hết kể từ ngày 1.1.2012”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.