48 giờ khám phá 'thành phố đẹp nhất thế giới' của cặp đôi Việt

28/08/2022 06:51 GMT+7

Praha, thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Cộng hòa Séc, được tạp chí du lịch TimeOut bình chọn đẹp nhất thế giới năm 2021.

Đầu tháng 8, vợ chồng anh Đức Hùng từ Việt Nam qua Paris, Pháp, công tác rồi bay đến Praha du lịch 3 ngày đêm. Cặp đôi đã đặt chân đến những điểm thu hút nhất của thành phố này.

Du lịch đã sôi động trở lại tại các thành phố của châu Âu, như trước đại dịch

nguyễn đức hùng

Praha còn được gọi là “thành phố của những ngọn tháp” hay “thành phố vàng”, đã may mắn không bị tác động của Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như các chính biến sau đó ở Séc. Chính vì vậy, tất cả các công trình kiến trúc có tuổi đời vài trăm năm của thành phố đã được giữ gìn nguyên vẹn.

Đến Praha lần đầu tiên, du khách như lạc vào chốn đô thành cổ tích, với những tháp nhọn cao vút hay những mái nhà lợp ngói đỏ tươi của những nhà thờ, lâu đài, công trình cổ kính.

Quảng trường Con Gà và Nhà thờ Đức Mẹ trước Týn

nguyễn đức hùng

Đầu tháng 8, giữa mùa hè, thời tiết ở Praha có nắng rực rỡ nhưng không quá nóng, nhiệt độ dao động từ 18 - 30 độ C, khá lý tưởng để tản bộ tham quan toàn bộ khu vực thành phố cổ.

Quảng trường Phố cổ (Old Town) hay còn gọi là Quảng trường Con Gà là điểm đến trung tâm của Praha. Nơi đây có Nhà thờ Đức Mẹ trước Týn (Church of Our Lady before Týn) được hoàn thành vào năm 1450. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic có hai tháp có chiều cao 80 m, là một trong những biểu tượng của thành phố. Phía bên kia quảng trường là nhà thờ Thánh Nicholas, được xây dựng vào năm 1737 theo kiến trúc Baroque.

Đồng hồ thiên văn Praha - đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới

nguyễn đức hùng

Trên quảng trường có đồng hồ thiên văn Praha nằm bên bức tường của tòa thị chính Phố cổ. Đồng hồ được lắp đặt lần đầu vào năm 1410 và là đồng hồ thiên văn cổ nhất trên thế giới vẫn còn hoạt động.

Vào mùa hè, quảng trường thường chật kín khách du lịch. Tuy nhiên năm nay, theo anh Jan, nhân viên của một quán ăn trên quảng trường Phố cổ, lượng khách du lịch giảm nhiều so với các năm trước dịch Covid-19 do thiếu vắng du khách Trung Quốc và Nga.

Các con phố nhỏ được lát đá là nét đặc trưng của khu phố cổ Praha

nguyễn đức hùng

Len lỏi qua các con đường lát đá đen, chúng tôi đến cây cầu Charles. Người Việt đã và đang sống ở Séc hay Tiệp Khắc trước đây gọi là cầu Tình vì là nơi hẹn hò của các cặp tình nhân. Được xây dựng từ năm 1357 theo lối kiến trúc Gothic với hai tháp canh đồ sộ ở hai đầu, cây cầu đá nối liền phố cổ Old Town và khu Mala Strana bên hai bờ sông Vltava.

Cầu Charles hay còn được người Việt sống ở Séc gọi là cầu Tình

nguyễn đức hùng

Có hơn 30 bức tượng được dựng trên cầu Charles - cây cầu duy nhất bắc qua sông Vltava cho đến năm 1841, kết nối Đông Âu và Tây Âu

nguyễn đức hùng

Hầu như tất cả khách du lịch đến Praha đều đến cầu Charles, cây cầu cổ nhất châu Âu vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Trên cầu luôn có các nhóm nghệ sĩ đường phố biểu diễn và nhiều họa sĩ vẽ chân dung cho khách. Thời điểm đẹp nhất để ngắm cây cầu là bình minh, lúc ít người và hoàng hôn, khi cây cầu lên đèn. Chúng tôi chọn cho mình một điểm ngắm cảnh đẹp và lãng mạn tại một quán ăn nằm bên bờ sông của khu Mala Strana.

Cầu thang mới (để phân biệt với Cầu thang cũ) dẫn lên Lâu đài Praha

nguyễn đức hùng

Bên khu Mala Strana cũng có một nhà thờ mang tên Thánh Nicolas. Đi bộ qua nhà thờ kiến trúc Baroque có lẽ đẹp nhất châu Âu này sẽ là các bậc cầu thang nối lên Lâu đài Praha, lâu đài lớn nhất thế giới và cũng là biểu tượng của Cộng hòa Séc. Lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 9 là nơi ở của các vị vua Bohemia, hoàng đế La Mã và sau này là văn phòng của Tổng thống Cộng hòa Séc. Bên trong lâu đài còn có các công trình kiến trúc nổi tiếng như Nhà thờ chính tòa Thánh Vitus, Vương cung thánh đường St George, Cung điện Hoàng Gia, Cung điện mùa hè…

Nhà thờ chánh tòa Thánh Vitus

nguyễn đức hùng

Quang cảnh cổ kính ở Nhà thờ

nguyễn đức hùng

Nổi bật nhất trong các công trình kiến trúc trong Lâu đài Praha là Nhà thờ chính tòa Thánh Vitus. Nhà thờ với nhiều nhà nguyện ở bên hông cùng các bích họa khổng lồ và nhiều ô cửa kính màu tuyệt đẹp là một ví dụ tuyệt vời và rất đáng tự hào của người dân Séc về lối kiến trúc Gothic cổ. Nhà thờ lớn nhất của đất nước còn là nơi an nghỉ của những những nhà vua Bohemia và các hoàng đế La Mã.

Một góc Praha nhìn từ Lâu đài

nguyễn đức hùng

nguyễn đức hùng

Sau khi tham quan Lâu đài Praha, chúng tôi đi bộ theo các bậc cầu thang cũ dẫn tới cây cầu Manes để ngắm cầu Charles. Từ đây, chúng tôi đi bộ đến nghĩa trang Do Thái cổ, nơi hàng chục lớp người chồng lên nhau yên nghỉ. Do phong tục của người Do Thái không phá bỏ các ngôi mộ cũ cũng như không có khu đất mới nên người ta đã đổ các lớp đất lên trên lớp đất có sẵn để tạo thêm nơi chôn cất mới...

Tháp Powder Tower là một trong 13 cổng thành của Praha được bắt đầu xây dựng vào năm 1475. Trước khi vào khu phố cổ, bạn sẽ đi qua cổng thành này

nguyễn đức hùng

Quảng trường Wenceslas chụp lúc sáng sớm

nguyễn đức hùng

Một điểm thu hút khách du lịch khác là quảng trường Wenceslas hay còn gọi là Quảng trường Con Ngựa. Được thành lập bởi vị vua nổi tiếng nhất của Séc là Charles IV vào năm 1348, quảng trường hiện là nơi thường diễn ra các sự kiện văn hóa xã hội của Praha. Dọc hai bên đường nhìn ra quảng trường là các tòa nhà với phong cách kiến trúc khác nhau, thu hút du khách mỗi khi đến với Praha.

Đi lại ở Praha: Bạn có thể dạo chơi trên phố bằng xe ô tô cổ hay xe ngựa. Xe buýt hay tàu điện ngầm là phương tiện đưa bạn đến tất cả các điểm du lịch nổi bật trong thời gian ngắn nhất. Nếu quen đi bộ, bạn có thể đi bộ tham quan các điểm du lịch trong vòng 2 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.