40 năm máu đổ biên giới Tây Nam - Kỳ 2: Sao đỏ bên sông Giang Thành

28/07/2015 07:35 GMT+7

(TNO) Sông Giang Thành chảy từ ngã ba sông Giang Thành (kênh biên giới Việt Nam) - sông Prek Tonhon Chas (Campuchia), ngay kề Đồn biên phòng Giang Thành. Qua các đồn, dòng sông đều cuộn mình thành hình cánh sao và người dân Kiên Giang bảo: Những nơi sông cuộn đó, đều ghi dấu hy sinh của bộ đội biên phòng (BĐBP)...

(TNO) Sông Giang Thành chảy từ ngã ba sông Giang Thành - kênh biên giới (Việt Nam) và sông Prek Tonhon Chas (Campuchia), ngay kề Đồn biên phòng Giang Thành (ấp Hòa Khánh Hòa, Tân Khánh Hòa, Giang Thành, Kiên Giang). Qua các đồn, dòng sông đều cuộn mình thành hình cánh sao và người dân Kiên Giang bảo: Những nơi sông cuộn đó, đều ghi dấu hy sinh của bộ đội biên phòng (BĐBP)...

Ban Chỉ huy C5 Cơ động, CANDVT An Giang tháng 5.1978 - Ảnh: cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chiến cung cấpBan Chỉ huy C5 Cơ động, CANDVT An Giang tháng 5.1978
- Ảnh: cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chiến cung cấp

Nữ du kích Campuchia
Thiếu úy Chau Cuốn, nhân viên Đội Vận động quần chúng của Đồn BP Phú Mỹ (BCH BĐBP tỉnh Kiên Giang) rất trẻ, người Khơ me với màu da sạm đen, tóc xoăn, răng trắng đặc trưng nhưng nói chuyện về lịch sử chiến tranh biên giới Tây Nam cực rành rẽ. Hỏi ra mới được bật mí: “Ông bà già vợ đều tham gia Đại đội du kích của xã trong chiến tranh biên giới, cùng chiến đấu với các chú bác trong Đồn Phú Mỹ và chôn cất các liệt sĩ, sau trận 16.5.1978”.
C5, CANDVT An Giang nhận danh hiệu “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”  - Ảnh: cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chiến cung cấpC5, CANDVT An Giang nhận danh hiệu “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” 
 - Ảnh: cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chiến cung cấp
Lạch phạch xe máy, thượng tá Trần Văn Hưng - Chính trị viên Đồn BP Phú Mỹ và thiếu úy Chau Cuốn đưa tôi sang thăm bà Danh Thị Nho (58 tuổi bán hàng cà phê - ăn sáng trong quán lá lụp xụp sát trụ sở UBND xã Phú Mỹ, ngay sau khu bia ghi danh 50 người lính Biên phòng (BP) hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Mới nhìn, không thể hình dung nổi người đàn bà lặng lẽ, nói tiếng Việt bập bõm kia, 38 năm trước là cô gái 20 tuổi nhỏ bé trong Đại đội du kích của xã, sát cánh với trận địa CANDVT Phú Mỹ ngăn bước quân Polpot xâm lược từ những ngày cuối năm 1977 và khi trận đánh tổng lực cấp Sư đoàn của địch nhằm vào Đồn Phú Mỹ, cô gái ấy đã khóc khi phải rút về tuyến sau, nhường ác liệt cho bộ đội, rồi cả chục ngày sau, khi lực lượng chủ lực lên chi viện, cô gái ấy lại khóc đến không còn nước mắt, khi khênh từng xác bộ đội chôn cất...
Bập bõm câu chuyện ký ức, khi khách trong xã ăn sáng đã thưa thớt, bà líu ríu qua lời dịch của con rể: “Cuối năm 1976, đồn BP được dựng ở ấp Trà Phô với gần 40 anh em chủ yếu là miền Bắc và hầu hết là rất trẻ, chưa vợ con!” và khóc: “Nhớ nhất là anh Tần y tá vì hay khám bệnh - cho thuốc dân trong ấp và rất hay lân la tìm hiểu đời sống, phong tục của đồng bào!”.
Thượng tá Trần Văn Hưng kể: Được chính thức thành lập từ cuối tháng 11.1976 ngay sau đó đã phải đối mặt với tình hình căng thẳng trên biên giới Tây Nam, Đồn BP Phú Mỹ đã giằng co với lính  Polpot trên các tuyền biên giới và ngày 18.12.1977, đã có 3 cán bộ chiến sĩ của đồn BP hy sinh.
CBCS Đồn BP Phú Mỹ thắp hương cho các liệt sĩ của ĐồnCBCS Đồn BP Phú Mỹ thắp hương cho các liệt sĩ của Đồn
Ác liệt nhất là trận đánh kéo dài từ ngày đầu tháng 5.1978, nhiều tiểu đoàn  Polpot chia làm nhiều hướng bao vây, tập trung đánh vào chốt của đồn đang bảo vệ các ấp Rạch Cát, Mương Khai, Trà Phô, Trà Phọt, Giồng Kè. Do trang bị thiếu thốn, bị bao vây cô lập nên Ban chỉ huy Đồn BP Phú Mỹ đã thành lập đội Cảm tử quyết chiến đấu đến hơi thở, giọt máu cuối cùng và tất cả cán bộ chiến sĩ xung phong xin cảm tử.
Sáng sớm ngày 16.5.1978, lính  Polpot được chi viện thêm 4 tiểu đoàn, điên cuồng tấn công vào trận địa của đồn. Do bị bao vây tứ phía, mất liên lạc với trên, lực lượng tiếp viện không đến kịp và nhất là quá trình chiến đấu 15 ngày đêm căng thẳng, thiều từ hớp nước, miếng ăn cho đến viên đạn nên lực lượng ngày càng tiêu hao.
12 giờ trưa ngày 16.5.1978, khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, toàn bộ cán bộ chiến sĩ Đồn BP Phú Mỹ nhất tề theo khẩu lệnh của đại úy Đồn trưởng Nguyễn Minh Phương, giương lên xung phong đánh giáp lá cà ngăn bước tiến của quân Polpot và cùng hy sinh, ngay tại trận địa.

Binh nhất Nguyễn Văn Dân, quê Minh Hải to con nên bị chúng hành hạ thi hài, phía sau lưng vẫn ngập nửa cán rìu, gỡ mãi mới ra. Hạ sĩ Nguyễn An Phú, quê An Biên, Kiên Giang khi gục ngã vẫn ôm cứng khẩu B41, địch gỡ ra định cướp không nổi, bộ đội và du kích phải dùng nước ấm xoa hàng tiếng đồng hồ, mới kéo được súng!

 

Đại tá Chung Kỳ Tập, nguyên Đồn trưởng BP Tịnh Biên

Chấm nước mắt, bà Danh Thị Nho nức nở: “Lính  Polpot ác lắm, sau khi hành hạ thi hài, chất đống anh em ở sân Đồn BP Phú Mỹ cả tuần, mãi sau này lực lượng phía sau đánh lên, mới lấy được anh em. Tôi và các anh du kích mang 35 anh em đi chôn, không nhận nổi mặt!” và thần người kể: Mở hàng cà phê sau bia ghi danh liệt sĩ, ngoài sự quan tâm của chính quyền xã, còn là để chờ thân nhân anh em từ Bắc vào tìm hài cốt, đưa qua nghĩa trang tìm kiếm mộ.
Súng nổ trong ngày thống nhất
Trong khoảng thời gian gần 2 thập kỷ chiến đấu trên biên giới Tây Nam trước quân  Polpot, những người lính BP đã lần lượt ngã xuống.
Đêm 30.4.1977, lính  Polpot với hỏa lực xung lực mạnh, ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh”, huy động lực lượng cấp sư đoàn quân chính quy kết hợp với tàn quân phản động nổi dậy trên các địa bàn, đồng loạt tấn công vào tất cả các Đồn - Trạm của CANDVT An Giang.
13/13 xã biên giới thuộc 2 huyện Phú Châu và Bảy Núi, từu Vĩnh Xương đến Vĩnh Gia bị tấn công.
Bà Danh Thị Nho kể về sự hy sinh của 35 liệt sĩ Đồn BP Phú MỹBà Danh Thị Nho kể về sự hy sinh của 35 liệt sĩ Đồn BP Phú Mỹ
Ở Đồn Bắc Đai (An Phú, An Giang), anh em vừa xong buổi liên hoan văn nghệ chào mừng ngày thống nhất đất nước, thì pháo  Polpot trùm lên doanh trại và 1 tiểu đoàn lính chính quy chia thành nhiều mũi, có sự hỗ trợ của hậu bị tuyến sau đánh vào.
Quân địch đông, bộ đội phải căng ra phòng ngự chống đỡ từ 3 phía. Ở các chốt Vạc Lài, Mương Hội Đồng, ta và địch giành giật nhau từng vị trí. Rạng sáng, lính Polpot không tiêu diệt được chốc Vạc Lài, nhưng ở chốt Mương Hội Đồng, 7 CBCS hy sinh sau khi đã chiến đấu hết đạn và chỉ 1 chiến sĩ bị thương nặng, rút khỏi vòng vây.
Cũng trong đêm 30.4.1977, lính Polpot tấn công vào Trạm CANDVT Tịnh Biên, trên chốt lộ 2 đi Tà Keo. 10 CBCS của Trạm đã bám đất, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và hy sinh đến người cuối cùng.
Đại tá Chung Kỳ Tập, nguyên Đồn trưởng BP Tịnh Biên (An Giang) nhớ lại đêm hôm đó: “Binh nhất Nguyễn Văn Dân, quê Minh Hải to con nên bị chúng hành hạ thi hài, phía sau lưng vẫn ngập nửa cán rìu, gỡ mãi mới ra. Hạ sĩ Nguyễn An Phú, quê An Biên, Kiên Giang khi gục ngã vẫn ôm cứng khẩu B41, địch gỡ ra định cướp không nổi, bộ đội và du kích phải dùng nước ấm xoa hàng tiếng đồng hồ, mới kéo được súng!”
Ân tình nơi biên giới
Kể lại những ngày chống chọi với những toán quân áo đen từ bên kia biên giới, ông Hoàng Đình Dong (thị trấn Vĩnh Gia, Tri Tôn, An Giang) thảng thốt: “Lính Polpot cứ bắt được dân là dùng là thốt nốt có răng cưa, cứ ngang cổ dần dần cho đến chết. Không có bộ đội BP hồi ấy, chắc dân xứ này sạch bách!” và rầu rầu: “Tháng 1.1977, anh em Đại đội 1 cơ động CANDVT đóng quân ở ấp Cá Ngay đánh quân Polot và hy sinh 6 người, bị thương 12 người. Đơn vị toàn người Bắc, mới tăng cường từ Nghệ Tĩnh vào, nên bà con từ tuyến sau kệ pháo địch, kéo nhau lên lo hậu sự - chôn cất anh em!”.
Chó nghiệp vụ BP tuần tra bảo vệ biên giới Tây NamChó nghiệp vụ BP tuần tra bảo vệ biên giới Tây Nam
Câu chuyện về tình cảm của những người dân biên giới Tây Nam đối với bộ đội BP của ông Dong, khiến tôi nhớ lại câu chuyện của mẹ Lê Thị Bánh (81 tuổi, ở ấp Phú Hòa, An Phú, Tịnh Biên, An Giang).
Ven lộ 91 nườm nượp xe cộ Châu Đốc - Tịnh Biên chở hàng, du lịch và cả người sang Campuchia đánh bạc bây giờ, mẹ kể: hồi ấy 44 tuổi, vợ chồng làm ruộng nuôi 8 đứa con lớn bé lít nhít. Khi Polpot đánh sang, toàn BĐBP chặn đánh và chi viện lúc ấy cũng toàn lính trẻ BP mới từ miền Bắc vào, mặt lún phún lông tơ.
Đánh nhau ác liệt, thương vong nhiều lên BP phải nhờ bệnh xá ở thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) làm bệnh viện dã chiến. Do nhà ven đường, anh em đi công tác hay ghé uống nước, thăm hỏi nên mẹ Bánh sốt ruột cho “mấy thằng nhỏ Bắc Kỳ”, chạy bộ gần 5 km lên thăm. Tới nơi, thấy anh em hy sinh nằm 1 nơi chờ xe đưa đi chôn cất, còn lại băng bó - máu me khắp người nằm ngổn ngang, kêu gọi: “Bố mẹ ơi! Con chết mất!” và có anh nhận ra mẹ Bánh, khóc ròng: “Má ơi! Con tưởng không còn được gặp má nữa!”.
Tấm bia ghi di nguyện của các liệt sĩ đã hy sinh tại Đồn BP Phú Mỹ, năm 2007 - Ảnh: CTVTấm bia ghi di nguyện của các liệt sĩ đã hy sinh tại Đồn BP Phú Mỹ, năm 2007 - Ảnh: CTV
“Tui cứng cả người khi nghe tụi nó kêu la, gọi vậy. Mình nhà cửa ruộng vườn ở đây, thấy giặc là chạy hết. Tụi nó ở mãi tít đâu đâu, bỏ nhà cửa - gia đình vào đây đánh giặc, giữ nhà cho mình, mà để chúng nó lăn lộn vậy. Chịu sao thấu hở cậu?” - Mẹ Bánh thầm thì vậy và nhìn ra rặng núi sau nhà, đau đáu: “Vẫn còn mấy đứa đánh Polpot trên ấy, bị pháo nó bắn mất xác, bao năm rồi, tìm mãi không ra!”.
Tháng 3.1977, qua công tác trinh sát kỹ thuật, BTL CANDVT nắm được “Kế hoạch 3 bước” của Thường vụ Trung ương Polpot chỉ thị cho lực lượng vũ trang Campuchia thực hiện, đó là:
Bước 1: Dùng lực lượng đủ sức lấn chiếm vào lãnh thổ Việt Nam để chiếm đất, tạo ra 1 đường biên giới có lợi. Đặc biệt chú ý các đoạn biên giới như: Dọc kênh Vĩnh Tế, rạch Bình Di (An Giang), tây sông Vàm Cỏ (Long An), đường Trần Lệ Xuân (Sông Bé), khu vực Bu phơ răng và vùng tây sông Sa Thầy (Tây Nguyên)
Bước 2: Quyết tâm dùng lực lượng quy mô lớn tấn công lấn chiếm sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tạo ra tuyến hành lang phòng thủ từ xa…
Bước 3: Kết hợp hoạt động vũ trang với phong trào nổi dậy, xây dựng “Mặt trận đoàn kết Khơ me hạ” và tổ chức thu gom các loại tàn quân, kêu gọi hơn nửa triệu người Việt Nam gốc Khơ me đứng lên “lấy lại 6 tỉnh Nam kỳ”, đánh chiếm Tây Ninh, uy hiếp TP.HCM...
(Nguồn: BTL BĐBP)
Di nguyện 35 liệt sĩ đồn BP Phú Mỹ "không còn nữa"
Thời điểm 2007, bên cạnh bia ghi danh các liệt sĩ Đồn BP Phú Mỹ (Giang Thành, Kiên Giang) hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, còn phần bia ghi lại di nguyện của toàn bộ CBCS trong Đồn, gửi lại cho thế hệ sau trước khi hy sinh đến người cuối cùng, buổi trưa ngày 16.5.1978, trong khi đánh trả quân Polpot xâm lược.
Nội dung di nguyện như sau:
CÁC BẠN THÂN MẾN
CHÚNG TÔI YÊU THƯƠNG TỔ QUỐC MÌNH
YÊU QUÝ BẢN THÂN
VÀ YÊU THƯƠNG CẢ CÁC BẠN NỮA
KHI KẺ THÙ XÂM LƯỢC ĐẾN ĐÂY
1978
CHÚNG TÔI ĐÃ KHÔNG TIẾC THÂN MÌNH
QUYẾT CHIẾN ĐẤU
ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG
BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC
Lời nhắn nhủ của chúng tôi cùng các bạn là:
ĐỪNG ĐỂ BẤT CỨ KẺ THÙ XÂM LƯỢC NÀO 
BÉN MẢNG ĐẾN ĐÂY
MỘT LẦN NỮA
HÃY BẢO VỆ TOÀN VẸN LÃNH THỔ CỦA TỔ QUỐC
BẢO VỆ CUỘC SỐNG
YÊN LÀNH HẠNH PHÚC
CỦA NHÂN DÂN
Các Liệt sĩ đồn Biên phòng Phú Mỹ
1978
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 7.2015 này, khi công tác tại Đồn BP Phú Mỹ (Giang Thành, Kiên Giang) và sang thắp hương, chụp hình khu vực bia ghi tên Liệt sĩ, tôi không thấy tấm bảng ghi di nguyện. Gọi điện hỏi lại Thượng tá Trần Văn Hưng, Chính trị viên Đồn BP Phú Mỹ cũng nhận được sự ngạc nhiên không kém, bởi từ khi Thượng tá Hưng từ Đồn khác về nhận công tác, đã thấy bia ghi danh như hiện tại, không có bảng ghi di nguyện...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.