40 - 90% người dân ở hơn 40 tỉnh, thành phải chi 'lót tay' làm sổ đỏ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/05/2022 10:43 GMT+7

Khảo sát cho thấy, 40 - 90% người dân ở hơn 40 tỉnh, thành phố đã phải chi "lót tay" để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .

Chưa tới 50% người dân tin địa phương chống tham nhũng nghiêm túc

Ngày 10.5, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021.

Kết quả chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công, một trong 8 chỉ số nội dung của báo cáo, cho thấy, khác với kết quả khảo sát 10 năm trước, trong năm 2021, sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố đều hơn ở phía bắc và phía nam.

Tuy nhiên, báo cáo cho hay theo phản ánh của người dân, hiện trạng chung chi để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương giàu có cũng như còn nghèo.

Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã (gồm công địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng nhân dân xã/phường), ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

"Tương tự kết quả 2020, tình trạng “vị thân” vẫn phổ biến nhất ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên", báo cáo cho biết.

Cũng theo báo cáo vừa được công bố, chưa tới 70% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng chống tham nhũng.

Ở 30 tỉnh, thành phố, tỷ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc chỉ ở mức dưới 50%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40 - 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Con số này cao hơn hẳn 2020 với chỉ 32% người dân được hỏi trả lời đã phải chi "lót tay" để làm thủ tục sổ đỏ.

Báo cáo cho biết, hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Ngoài ra, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40% đến 80% cũng ở khoảng 40 tỉnh, thành phố.

Chỉ 5 - 30% người dân được biết kế hoạch sử dụng đất

Về chỉ số công khai minh bạch, báo cáo cho biết, việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành phố trong năm 2021.

Tỷ lệ người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2021 ở địa phương dao động từ 5% đến 30%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người được hỏi cho biết họ biết nơi có thể lấy thông tin về Bảng giá đất 2021 do chính quyền cấp tỉnh ban hành hàng năm dao động từ 23% đến 67% trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo cũng cho hay, kết quả này được khẳng định từ nghiên cứu đánh giá mức độ công khai thông tin về kế hoạch sử dụng đất của 704 đơn vị cấp huyện.

Qua nghiên cứu này, chỉ có 337 trong số 704 đơn vị cấp huyện thực hiện công khai kế hoạch sử dụng dất đai năm 2021 trên cổng thông tin điện tử của chính quyền huyện.

Và chỉ có 26 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc niêm yết công khai Bảng giá đất năm 2021 trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh hoặc của các sở Tài nguyên - Môi trường.

Báo cáo PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại T.Ư và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; được thực hiện từ 2009 tới nay. Báo cáo PAPI được thực hiện dựa trên khảo sát trực tiếp với 15.833 người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.