4 thói quen ăn sáng cần phải bỏ vì có hại cho đường huyết

Ngọc Quý
Ngọc Quý
14/10/2022 14:58 GMT+7

Ăn sáng là bữa ăn rất quan trọng giúp cung cấp năng lượng sau một đêm ngủ dài. Với những người có nguy cơ hoặc đã mắc tiểu đường thì bữa ăn sáng không chỉ đủ chất mà còn phải lành mạnh, giúp kiểm soát tốt đường huyết.

Cơ thể cần một lượng đường glucose nhất định trong máu để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Dù với người khỏe mạnh hay mắc bệnh tiểu đường thì đường huyết cũng cần được duy trì ở mức ổn định, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Ăn sáng có nhiều đường vào buổi sáng sẽ khiến đường huyết tăng cao

SHUTTERSTOCK

Để đảm bảo đường huyết không biến động quá nhiều, mọi người cần tránh các thói quen sau:

Bữa sáng thiếu chất xơ

Ăn đủ chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày là điều rất cần thiết để đảm bảo các chức năng cơ thể được vận hành tốt, trong đó có nhu động ruột. Sức khỏe đường ruột tốt cũng giảm nguy cơ nhiều bệnh như bệnh trĩ hay ung thư ruột kết.

Chất xơ khi vào ruột cũng giúp giảm nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu. Mỗi này, phụ nữ cần nạp ít nhất 21 gram chất xơ, trong khi nam giới là 30 gram. Các món giàu chất xơ phổ biến là rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Không ăn đủ protein

Bữa ăn sáng lành mạnh cần có protein. Nghiên cứu đăng trên chuyên san The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy dù cùng ăn bánh mì trắng nhưng người ăn protein sẽ có đường huyết ổn định hơn người không ăn.

Ngoài ra, protein tạo cảm giác no lâu, giảm thèm ăn và tăng quá trình trao đổi chất, từ đó hỗ trợ giảm cân. Các món giàu protein là trứng, thịt gà, thịt bò và các loại đậu.

Ăn bánh ngọt và uống cà phê có đường

Ăn sáng bằng các món có nhiều đường như bánh ngọt, cà phê có đường hay bất kỳ loại thức uống nhiều đường cũng đều khiến đường huyết tăng vọt. Đường huyết sau khi tăng thì sẽ giảm đột ngột, gây cảm giác mệt mỏi, uể oải, đói và kích thích cơn thèm ăn.

Bỏ ăn sáng

Nhiều người có thói quen không ăn sáng. Một số bằng chứng khoa học cho thấy không ăn sáng thường xuyên có thể dẫn đến một số hệ quả sức khỏe lâu dài. Nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of the American College of Cardiology phát hiện bỏ bữa sáng thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Không những vậy, trong một số trường hợp, nhịn ăn vào bữa sáng khiến bụng đói cồn cào. Hệ quả là ăn nhiều hơn vào bữa trưa, dẫn đến dễ tăng cân.

Không những vậy, bỏ bữa sáng sẽ làm giảm độ nhạy insulin. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.