4 sản phẩm thất bại nhất của Apple

Thu Thảo
Thu Thảo
02/09/2018 11:13 GMT+7

42 năm hoạt động của doanh nghiệp nghìn tỉ đô đầu tiên tại Mỹ không phải toàn màu hồng với các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt như iPhone, iPad.

Theo CNBC, dù Apple bán được hơn 1 tỉ chiếc iPhone và cách mạng hóa ngành công nghiệp máy tính cá nhân với mẫu Macintosh, hãng vẫn có vài sản phẩm thất bại. Thất bại của Apple đa dạng, từ một chiếc máy tính quá nóng cho đến thiết bị cầm tay mà nhà đồng sáng lập quá cố Steve Jobs ghét.
Ông Jobs từng nói: “Bạn phải sẵn sàng bị sụp đổ và cháy rụi… Nếu bạn sợ thất bại, bạn sẽ không tiến xa”. Vì thế, dưới đây là 4 sản phẩm thất bại nhất của Apple trong bốn thập niên qua.
Apple III
Apple III Ảnh: Flickr Creative Commons
Apple II là sản phẩm đầu tiên đưa Apple lên thành công vào năm 1977, khi nó trở thành mẫu máy tính cá nhân gặt hái thành công thương mại hóa đầu tiên, bán được từ 5-6 triệu chiếc cho đến khi ngừng sản xuất vào năm 1993. Tuy nhiên, Apple III lại không xuất sắc đến thế.
Apple III ra mắt năm 1980, được dự định cho doanh nghiệp sử dụng, có chức năng bàn phím và màn hình lớn hơn. Steve Jobs được cho là muốn máy tính này chạy êm, không ồn, vì thế ông khăng khăng rằng Apple III không nên có quạt làm mát hoặc lỗ thông hơi.
Giới kỹ sư làm máy tính bằng vỏ nhôm để giúp máy mát, song cuối cùng nó vẫn quá nóng, đôi khi còn khiến chip máy tính và đĩa mềm tan chảy bên trong. Nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cho rằng Apple III “hỏng phần cứng 100%”, buộc Apple phải thu hồi sản phẩm và đổi lại toàn bộ 14.000 chiếc được sản xuất.
Phiên bản sửa đổi của Apple III khắc phục được vấn đề trước đó, song thiệt hại về danh tiếng tước đi cơ hội của sản phẩm trong mắt khách hàng. Apple dừng sản xuất Apple III năm 1984, ông Jobs cho hay hãng mất nhiều tiền vì dòng sản phẩm này.
Apple Lisa
Apple Lisa Ảnh: AFP/Getty Images
Chào hàng năm 1983, Apple Lisa nổi bật là một trong các máy tính thương mại đầu tiên được bán với chuột và có giao diện người dùng đồ họa, có nghĩa là màn hình có icon và hình ảnh thay vì chỉ có chữ. Lisa cũng có giá cực đắt là 9.995 USD, tạo rào cản khá cao với khách hàng muốn tậu máy.
Giá cao ảnh hưởng xấu đến doanh số bán hàng của Lisa. Apple chỉ bán được khoảng 100.000 máy trước khi mẫu này cuối cùng bị ngưng hoàn toàn vài năm sau. Năm 1984, Apple còn tung một trong các sản phẩm mang tính biểu tượng nhất là máy vi tính Macintosh, có giá rẻ hơn đáng kể so với Lisa và phổ biến hơn nhiều.
“Trước hết là nó quá đắt, khoảng 10.000 USD. Chúng tôi tiếp thị sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn thuộc Fortune 500, trong khi gốc rễ của chúng tôi là bán sản phẩm cho người bình thường”, ông Jobs nói về mẫu Apple Lisa năm 1995. Sản phẩm thất bại này còn tồn kho 2.700 chiếc, buộc doanh nghiệp phải bỏ ra bãi rác Utah.
Apple Newton
Apple Newton MessagePad Ảnh: AFP/Getty Images
Apple lần đầu tung trợ lý kỹ thuật số cá nhân Newton vào năm 1993. Sản phẩm được kỳ vọng khởi động cuộc cách mạng thiết bị công nghệ cầm tay. Newton có chức năng viết tay cải tiến, người dùng có thể viết lên màn hình thiết bị bằng bút trâm, và Newton có thể dịch chữ viết tay thành văn bản kỹ thuật số. Apple tiếp thị rằng Newton có thể ghi chú dễ dàng như “một mảnh giấy”.
Vấn đề duy nhất là tính năng nhận dạng chữ viết không tốt như kỳ vọng, nhiều lần dẫn đến mớ bòng bong từ ngữ không giải nổi. Newton trở thành chủ đề bị chế nhạo. CEO Apple khi đó là ông John Sculley dự kiến bán 1 triệu máy Newton trong năm đầu, song cuối cùng hãng chỉ bán được 50.000 chiếc trong ba tháng, và ngừng công bố doanh số.
Ông Jobs chính thức bỏ mẫu Newton khi ông về lại Apple vào năm 1997 (trước đó, ông rời Apple vào năm 1985). “Bằng cách bỏ dòng sản phẩm, tôi giải phóng được một số kỹ sư giỏi có thể làm việc với thiết bị di động mới. Cuối cùng chúng tôi cũng đi đúng hướng khi chuyển sang iPhone và iPad”, Jobs chia sẻ với Walter Isaacson, nhà viết tiểu sử của ông.
TV Macintosh
Macintosh TV Ảnh: Flickr Creative Commons
Macintosh TV là sản phẩm thất bại khác của Apple trong thời gian ông Jobs không có mặt tại doanh nghiệp mà ông từng đồng sáng lập. Cũng ra mắt vào năm 1993, sản phẩm này là nỗ lực sớm trong việc kết hợp máy tính với trải nghiệm xem truyền hình, điều mà mọi laptop, máy tính bảng và smartphone ngày nay đều làm được. Dù thế, nó hoàn toàn không phổ biến thời đầu thập niên 1990.
Macintosh TV về cơ bản như máy vi tính dòng Macintosh LC 500, song nó được trang bị card điều chỉnh TV cho phép người dùng treo ăng-ten hoặc dùng cáp truyền hình. Dù vậy, bạn không thể xem TV khi đang dùng máy tính, vì sản phẩm chỉ cho phép chuyển đổi qua lại hai chức năng trên màn hình 14 inch. Giá Macintosh TV là 2.099 USD cũng khiến nó vượt ngoài tầm với của nhiều khách hàng tầm trung. Apple chỉ bán được 10.000 chiếc mẫu này, và ngừng hẳn sản xuất sau hơn ba tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.