4 loại kiểm tra sức khỏe mọi người nên làm

Ngọc Quý
Ngọc Quý
14/12/2018 00:07 GMT+7

Biết được những lợi ích và hạn chế của các kiểm tra sức khỏe này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích để mọi người có thể đưa ra quyết định đúng cho sức khỏe của mình, theo Consumer Reports.

Nếu kiểm tra cho kết quả đáng ngờ thì các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.
Kiểm tra mật độ xương
Kiểm tra mật độ xương sẽ xác định được mật độ xương ở hông, cột sống và nhiều nơi khác trên cơ thể. Kiểm tra này có thể phát hiện tình trạng mật độ xương giảm và chứng loãng xương, làm xương yếu, giòn.
Phụ nữ lớn tuổi là đối tượng cần phải thực hiện kiểm tra này vì khi bước vào giai đoạn mãn kinh, họ sẽ có nguy cơ cao bị loãng xương. Nguy cơ này càng cao hơn khi tiền sử gia đình có người từng bị loãng xương hoặc bản thân có hút thuốc.
Với nam giới, hãy kiểm tra mật độ xương khi đến tuổi 80 hoặc sớm hơn trong trường hợp có nguy cơ bị gãy xương cao, chẳng hạn như nghiện hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc giảm đau steroid thời gian dài.
Thông thường, nếu kiểm tra phát hiện mật độ xương kém thì bác sĩ sẽ khuyến cáo nên tập thể dục thường xuyên, kèm theo chế độ ăn giàu vitamin D và canxi, sau đó kiểm tra lại 3 - 5 năm/lần.
Nếu kết quả là bị loãng xương thì cần dùng thuốc để ngăn ngừa nguy cơ gãy xương và kiểm tra 2 năm/lần, theo Consumer Reports.
Kiểm tra nồng độ cholesterol
Các xét nghiệm dạng này sẽ đo tổng nồng độ cholesterol, gồm cholesterol LDL (có hại), cholesterol HDL (có lợi) và triglyceride (a xít béo làm tắc nghẽn động mạch).
Nếu kết quả tổng nồng độ cholesterol từ 240 mg/dL và cholesterol LDL từ 190 mg/dl trở lên sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ.
Những người 40 - 75 tuổi có một hoặc nhiều yếu tố gây bệnh tim như hút thuốc, huyết áp cao, tiểu đường thì nên kiểm tra khoảng 5 năm/lần. Nếu kết quả vượt ngưỡng trên thì phải kiểm tra thường xuyên hơn, theo Ủy ban Y tế dự phòng Mỹ (USPSTF).
Dựa theo kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ xác định liệu có cần uống thuốc điều trị hay không.
Tầm soát ung thư đại tràng
Tầm soát này được thực hiện qua xét nghiệm mẫu phân. Các xét nghiệm kiểm tra liệu trong phân có dấu tích ADN ung thư hoặc máu hay không, theo Consumer Reports.
Một cách khác là nội soi. Bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ có gắn camera ở đầu ống để kiểm tra bên trong đại tràng. Cách này dùng để phát hiện các u lành tính tiền ung thư. Chúng có thể phát triển thành ung thư sau này.
Tại Mỹ, Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo những người trên 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư đại tràng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân ung thư đại tràng dần trẻ hóa thì mới đây, độ tuổi khuyến cáo đã giảm còn 45 tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt
Xét nghiệm máu sẽ kiểm tra nồng độ của kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt. Nếu kết quả cho ra nồng độ cao thì rất có thể là do mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Nam giới từ 50 - 60 tuổi nên thảo luận với bác sĩ để thực hiện kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt. Nếu xác định là ung thư thì bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, các xét nghiệm nếu có vấn đề thì thường chỉ là bệnh sưng nhiếp hộ tuyến, tình trạng mà các tế bào tuyến tiền liệt phát triển phì đại, theo Consumer Reports.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.