4 hiểu sai về bệnh tiểu đường cần bỏ ngay!

Ngọc Quý
Ngọc Quý
21/12/2018 05:09 GMT+7

Những quan niệm sai lầm về nguy cơ mắc bệnh, triệu chứng, thực phẩm và nhiều thứ nữa có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bị tiểu đường.

Những quan niệm sai về tiểu đường thường thấy gồm:

Ăn đường gây tiểu đường

Sự thật là ăn đường không gây tiểu đường. Đường chỉ đóng vai trò gián tiếp. Một ví dụ thường thấy là ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì lại là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2, Reader’s Digest dẫn lời tiến sĩ David Marrero tại Hiệp hội Tiểu đường Mỹ.
Ngay cả trong trường hợp một người không bị thừa cân, béo phì, có kiểm soát lượng calo nạp vào nhưng nếu uống các loại thức uống nhiều đường thì vẫn đối mặt nguy cơ cao bị tiểu đường.
Một nghiên cứu đăng trên chuyên san y khoa Anh BMJ năm 2015 phát hiện uống nước ngọt mỗi ngày sẽ làm tăng nguy 18% nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
Nguyên nhân là các loại đường hấp thụ nhanh có khả năng phá hủy các tế bào tiết ra insulin trong tuyết tụy, làm tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2, theo Prevention.

Bệnh tiểu đường không có triệu chứng

Nhiều người có thể tưởng lầm rằng bệnh tiểu đường không có triệu chứng và chỉ khi đến khám bác sĩ mới có thể phát hiện bệnh. Điều này là không đúng. Tiểu đường có khá nhiều các dấu hiệu cảnh báo sớm. Vấn đề là người bệnh thường phớt lờ và không nhận ra.
Những dấu hiệu thường thấy là người bị tiểu đường cảm thấy khát ngay cả khi họ uống đủ nước. Họ uống nhiều nước hơn bình thường và cũng đi vệ sinh nhiều hơn. Cảm giác mệt mỏi, đói, sụt cân mà không hề có thay đổi gì trong lối sống, cách ăn uống cũng là những dấu hiệu thường thấy của tiểu đường, theo Reader’s Digest.

Người bệnh sẽ nhận biết được dấu hiệu biến động đường huyết

Điều này là không đúng vì dấu hiệu đường huyết tăng cao thường xuất hiện mờ nhạt đến mức người bệnh có thể dễ dàng bỏ qua.
Đây là lý do tại sao việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là rất cần thiết với bệnh nhân tiểu đường. Cách này không chỉ giúp người bệnh có thể biết được sự tăng giảm đường huyết trong máu mà còn biết được chế độ ăn uống, tập thể dục, căng thẳng ảnh hưởng thế nào đến đường huyết và sức khỏe.
Trong trường hợp giảm đường huyết, lượng đường trong máu quá thấp có thể khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi và run.
Tuy nhiên, những người mắc tiểu đường lâu năm lại xuất hiện hiện tượng gọi là hạ đường huyết không nhận thức được, tức người bệnh sẽ không cảm nhận được những triệu chứng trên khi đường huyết hạ quá thấp, theo Reader’s Digest.

Bệnh nhân tiểu đường phải tuân theo chế độ ăn không đường

Bệnh nhân tiểu đường loại 2 không nhất thiết phải kiêng đường một cách nghiêm ngặt. Điểm mấu chốt là phải ăn đường điều độ. Thức ăn ngọt chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong chế độ ăn hằng ngày của họ, phần còn lại phải là ngũ cốc nguyên hạt, rau cải và thịt nạc giàu protein.
Với tiểu đường loại 1 thì phức tạp hơn, người bệnh phải biết cách điều chỉnh liều tiêm insulin tiếp theo sao cho phù hợp với lượng thực phẩm ăn vào, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.