4 hãng smartphone Trung Quốc 'tấn công' phân khúc cao cấp

Thu Thảo
Thu Thảo
25/03/2019 15:37 GMT+7

Bốn nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc hiện tập trung vào phân khúc điện thoại cao cấp phát triển mạnh bằng cách tung thương hiệu thứ nhì.

Theo South China Morning Post, Oppo, hãng cung ứng smartphone lớn thứ nhì Trung Quốc, lên kế hoạch giới thiệu thương hiệu Reno vào tháng tới. Reno cung cấp một loạt thiết bị cầm tay cao cấp có và không có khả năng kết nối 5G. Có động thái tương tự trước Oppo là Vivo, hãng smartphone lớn thứ ba Trung Quốc. Vivo tung thương hiệu iQoo, smartphone chơi game đầu tháng này.
Chưa hết, Xiaomi thông báo rằng dòng giá rẻ Redmi của hãng trở thành thương hiệu độc lập chỉ vài tháng sau khi tung ra thương hiệu Poco tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp. Với Huawei, nhà cung ứng thiết bị viễn thông số một thế giới, hãng có thương hiệu smartphone thứ nhì với giá phải chăng tên Honor.
“Chiến lược hai thương hiệu thành công của Huawei, bao gồm tất cả phân khúc thị trường tiêu dùng với nhiều mẫu mã giá cả đa dạng, truyền cảm hứng cho không ít thương hiệu điện thoại địa phương. Một số hãng nhận ra rằng họ cần mở rộng dòng sản phẩm để nhắm đến nhiều người tiêu dùng hơn”, Jia Mo, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Canalys cho hay. 
Trong khi đó, Zaker Li, nhà phân tích thuộc IHS Markit cho biết: “Một số người tiêu dùng thích sản phẩm hoặc tính năng phù hợp mà các thương hiệu tên tuổi có thể không có. Vì thế, thương hiệu thứ nhì đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu đó”.
Thương hiệu Reno mới của Oppo với smartphone có và không có hỗ trợ 5G, nhắm đến thị trường cao cấp Ảnh: SCMP
Một loạt thiết bị hiệu Huawei và Honor có mặt trên thị trường cùng chương trình khuyến mãi mạnh mẽ, thiết kế sáng tạo giúp doanh nghiệp công nghệ có trụ sở ở Thâm Quyến tiếp tục dẫn đầu doanh số smartphone tại Trung Quốc, và đứng thứ ba trên thế giới, sau Samsung Electronics và Apple.
Dù vậy, BBK Electronics Corp, doanh nghiệp 24 tuổi có trụ sở ở thành phố Đông Hoản, ngày càng trở thành đối thủ đáng gờm của Huawei. BBK đứng sau Oppo và Vivo. Mới đây, hãng tung hiệu smartphone mới là OnePlus và Realme. Công ty cũng điều hành một trong các chuỗi cung ứng điện tử lớn và phức tạp nhất thế giới để sản xuất nhiều loại smartphone cho thị trường toàn cầu.
Dây chuyền sản xuất smartphone của Huawei Technologies tại Đông Hoản Ảnh: Bloomberg
Chuyên gia Jia cho rằng xu hướng phát triển nhiều thương hiệu smartphone tăng tốc vì sự hợp nhất của ngành điện thoại thông minh Trung Quốc đã hoàn tất. Cách đây khoảng ba năm, nước này có đến khoảng 300 hãng di động địa phương. Cạnh tranh khốc liệt và thực tế người dùng Trung Quốc ít mua điện thoại, kinh tế nhìn chung tăng trưởng yếu hơn khiến số doanh nghiệp hạ xuống còn 200 vào năm ngoái. 
Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi chiếm gần 80% thị trường smartphone Trung Quốc năm 2018, theo hãng nghiên cứu IDC. Các doanh nghiệp dồi dào vốn thu hút được cả khách hàng trẻ tuổi lẫn lớn tuổi. Việc các hãng lớn phát triển thương hiệu mới thể hiện nhận thức thay đổi về hàng Trung Quốc, vốn thường bị xem là chất lượng kém, rẻ tiền. Ngoài ra, đây cũng là chiến lược quan trọng giữa cảnh thị trường smartphone có năm thứ ba giảm liên tiếp trên toàn cầu. Số smartphone xuất xưởng dự kiến hạ 1% so với năm 2018 xuống còn 1,39 tỉ chiếc. 
Redmi đã trở thành thương hiệu độc lập với Xiaomi Ảnh: Handout
Với Xiaomi, hãng smartphone lớn thứ tư thế giới, câu trả lời trong tình hình hiện tại là việc cung ứng smartphone cao cấp với mức giá thấp nhất có thể, từ cả thương hiệu chính lẫn thương hiệu độc lập mới. Lei Jun, nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi cho rằng sự cạnh tranh và chồng chéo giữa hai thương hiệu là tốt cho sự phát triển của cả doanh nghiệp. Tại MWC Barcelona vừa diễn ra tháng trước, Xiaomi công bố phiên bản 5G của mẫu Mi Mix 3 với giá khoảng 680 USD, rẻ hơn so với các mẫu smartphone 5G của nhiều thương hiệu khác.
Reno của Oppo và iQoo của Vivo cũng có thiết bị sở hữu thiết kế, tính năng cao cấp với giá cả cạnh tranh. Đơn cử, smartphone hiệu Reno tập trung vào khách hàng phân khúc cao cấp, đặt mục tiêu bán cho những người trẻ và những người sống tại các thành phố có quy mô nhỏ hơn ở Đại lục.
Phân khúc smartphone cao cấp, vốn chỉ điện thoại có giá từ 400 USD trở lên, ngày càng quan trọng với các nhà cung ứng toàn cầu vì nó phát triển nhanh hơn so với cả thị trường smartphone nói chung. Phân khúc này tăng 18% trong năm ngoái, trong khi cả thị trường chung giảm 3%, theo Counterpoint Research.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.