4 đột phá y học ấn tượng nhất năm 2018

Ngọc Quý
Ngọc Quý
14/12/2018 09:09 GMT+7

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực không ngừng để tìm ra phương thuốc chữa trị bệnh hiệu quả hơn cho nhân loại. Trong năm qua, họ đã tạo được nhiều đột phá, mang lại hy vọng cho hàng triệu người bệnh.

Theo Reader’s Digest, bốn trong số các đột phá y học ấn tượng nhất trong năm qua gồm:
Tiến gần đến vắc xin ung thư
Đầu năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) đã thông báo tìm kiếm các bệnh nhân đang mắc ung thư hạch để thực hiện thử nghiệm lâm sàng với vắc xin ung thư, theo Reader’s Digest.
Trong thử nghiệm, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm chất kích thích hệ miễn dịch vào khối u. Khi thử nghiệm trên chuột, phương pháp điều trị này đã tiêu diệt thành công các dấu vết ung thư mà không gây tác dụng phụ như các liệu pháp miễn dịch truyền thống.
Nếu thử nghiệm thành công trên người, phương pháp điều trị mới có thể áp dụng với tất cả loại khối u ung thư khác nhau, giáo sư Ronald Levy, chuyên gia về ung thư và là một trong những người tham gia nghiên cứu, cho biết.
Phát hiện nhanh dấu hiệu của bệnh thận, tiểu đường
Tăng kali máu là tình trạng mà nồng độ kali trong máu cao hơn mức bình thường. Tình trạng này thường là hậu quả của suy thận, tiểu đường hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc trị huyết áp, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Kali là một chất điện giải. Khi nồng độ chất điện giải này tăng cao sẽ gây nguy hiểm cho tim, dẫn đến đau ngực, tim đập liên hồi và mạch yếu. Với những người bị thận mạn tính, kali trong máu tăng quá cao có thể gây tử vong.
Để phát hiện tăng kali máu thì cần phải xét nghiệm máu. Mới đây, tổ chức Mayo Clinic đã phát triển công nghệ mới có thể phát hiện nồng độ kali máu rất nhanh bằng trí thông minh nhân tạo, theo Reader’s Digest.
Xét nghiệm không xâm lấn với lạc nội mạc tử cung
Tại Mỹ, hơn 6,5 triệu phụ nữ đang chịu đau đớn vì bệnh lạc nội mạc tử cung gây ra. Để chẩn đoán, các bác sĩ thường phải thực hiện các xét nghiệm xâm lấn và tốn kém, chẳng hạn như nội soi.
Vì vậy, nhiều phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đã không được chẩn đoán và thường mất nhiều năm mới phát hiện bệnh.
Một công ty Mỹ có tên DotLab đang phát triển công nghệ mới có thể xét nghiệm lạc nội mạc tử cung mà không cần xâm lấn. Họ gọi công nghệ này là DotEndo, hoạt động bằng cách đo lường các dấu hiệu sinh học đặc trưng của lạc nội mạc tử cung bằng cách kiểm tra nước bọt và máu, theo Reader’s Digest.
Thuốc tiêm ngừa đau nửa đầu
Đau nửa đầu nổi tiếng là chứng bệnh đau đầu khó trị. Tuy nhiên, cuộc chơi có thể thay đổi khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa chấp thuận cho lưu hành một loại thuốc mới vào tháng 5.2018. Đó là Aimovig, loại thuốc tiêm đầu tiên được cho là có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Aimovig có thể giúp người bị đau nửa đầu giảm số ngày bị căn bệnh hành hạ. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những người được tiêm Aimovig có thể giảm được trung bình 2,5 ngày bị căn bệnh hành hạ so với người chỉ dùng giả dược, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.