4 điều mà nền giáo dục Việt Nam chưa làm được cho thế hệ trẻ !

23/11/2019 19:24 GMT+7

Đến thời điểm hiện tại, tôi luôn trăn trở về những gì mình (và nền giáo dục ) chưa làm được cho thế hệ trẻ. Tôi luôn ước có thể kiến tạo được một nền giáo dục dạy 4 điều mà các em đang rất cần.

Thế hệ trẻ mà tôi nhắc đến đây đặc biệt là các em trong độ tuổi 15 - 25 tuổi. Với tôi, đây là giai đoạn “đột phá và tăng tốc” của đời người, các quyết định quan trọng như chọn đại học, chọn nghề, chọn sếp đầu tiên… đều nằm trong giai đoạn này.

Điều thứ nhất: Tự đi trên con đường mà bản thân đam mê

Cuộc đời này do chính các em quyết định, hãy khôn ngoan và dũng cảm để tự vẽ nên bức tranh của mình.

Tôi gặp rất nhiều gia đình, từ giàu có khá giả ở thành phố cho đến những gia đình thuần nông miền Tây, việc ba mẹ chọn lớp, chọn trường, chọn thầy cô, sau này là chọn ngành, chọn nghề, thậm chí chọn công việc cho con, việc ba mẹ quyết định thay con vì “ba mẹ nói thì con phải nghe” đã trở thành một thứ gì đó rất hiển nhiên.

Tôi cũng có dịp trò chuyện cùng bác Peter Vesterbacka, Founder của game nổi tiếng Angry Bird, một nhà đầu tư, khởi nghiệp giáo dục lỗi lạc tại Phần Lan, và được chia sẻ rằng tại Trung Quốc, trẻ em các thành phố lớn hầu như em nào cũng chơi 1-2 nhạc cụ như piano, violin, saxophone… Nhưng khi hỏi ra thì trên một nửa các em hoàn toàn không có đam mê, các em chỉ học vì ba mẹ tin rằng chơi nhạc cụ là một món “trang sức” cần có cho các em. Không chỉ vậy, nhiều em tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện cũng chỉ để làm đẹp hồ sơ, phục vụ giấc mơ đại học “top” của dòng họ.

Câu chuyện ở nước ta cũng không khác mấy. Chị Lương Thủy Tiên, Head of Talent Development tại Pepsico, từng cho tôi hay đối với các tập đoàn đa quốc gia, một trong những kỹ năng yếu nhất của người trẻ Việt chính là khả năng tự suy nghĩ, tự phản biện và tự ra quyết định.

Đã đến lúc tôi tin rằng nền giáo dục cần dạy cho thế hệ trẻ tự đứng trên đôi chân của mình, tự đi trên con đường mà bản thân đam mê, khao khát, và nhà trường cũng như gia đình phải luôn là nơi an toàn nhất để các em được cất lên tiếng nói của chính mình.

Điều thứ hai: Biết trân trọng và cảm ơn

 “Nó bây giờ chả biết cảm ơn, chả biết quý trọng cái gì cả thầy ạ, nhiều khi cũng không biết cái gì làm cho nó vui hay cười nữa”, không biết bao nhiêu lần tôi nghe được câu nói này từ các bậc phụ huynh. Và đáng buồn thay, rất nhiều anh chị trong số này là những người thành đạt, giàu có, có địa vị.

Thật vậy, có một lớp trẻ đã được sinh ra và lớn lên trong nhung lụa cùng sự bảo bọc, nuông chiều không chỉ từ ba mẹ, mà cả thầy cô và hệ thống giáo dục. Tôi gặp những em 14, 15 tuổi và đã đi Anh, Úc, Mỹ, Pháp, Canada… và “hè này, em chả biết đi đâu cho vui nữa, mấy nước này em đi cả rồi”. Có rất nhiều thứ đã từng là thèm khát của thế hệ trẻ trước đây như tôi thì ngày hôm nay trở thành việc “hiển nhiên phải có” của thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Một ví dụ rất đơn giản, người trẻ bây giờ có rất nhiều cơ hội tham dự các hội thảo chia sẻ về học bổng, phương pháp học tập, hướng nghiệp, chia sẻ kiến thức, kỹ năng… Nhưng một sự thật rất đáng buồn là rất nhiều bạn trẻ không biết trân trọng người tổ chức, hiện tượng các bạn đi trễ 20 – 30 phút, hay đến và làm việc riêng, ồn ào, không tập trung, hay tệ hơn là không thèm đến và cũng chẳng báo trước là rất phổ biến. Lấy ví dụ này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng điều đáng sợ nhất là có những thế hệ công dân vô cảm, không biết trân quý và biết ơn.

Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm 1 chút về sức mạnh của hai tiếng “cảm ơn”. Cách đây hơn 1 năm, tôi có chuyến đi về hơn 10 điểm trường miền Trung, gọi là “Hành trình kể chuyện – Hành trình sách”. Có ngày cao điểm, tôi di chuyển hơn 200 – 300 km để đến các điểm trường vùng biển ở tỉnh Quảng Trị chia sẻ và truyền lửa cho học sinh và sau đó tôi nhận được tin nhắn: “Em xin giới thiệu em là 1 học sinh của Trường Chuyên Lê Quý Đôn Quảng Trị. Nghe anh nói chuyện, em cảm thấy được tiếp thêm động lực rất nhiều để tin vào ước mơ của em. Mà gia đình em cũng là nông dân, không ai học cao nên em không biết hỏi ai cả. Em nhắn tin này cho anh, hy vọng và cảm ơn anh nhiều lắm nếu anh có thể cho em 1 vài kinh nghiệm”. Và sau đó là 1 câu chuyện cổ tích – em đã được nhận vào trường em mong ước với suất hỗ trợ tài chính 100%.

Lời “cảm ơn” năm xưa của em không chỉ xua tan bao mệt mỏi của tôi, mà còn mở ra những chương tiếp theo của 1 câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Và tôi tin rằng bất cứ người mẹ nào cũng sẽ hạnh phúc khi được con ôm vào lòng và cảm ơn vì mẹ đã nấu 1 bữa cơm ngon, người bố nào cũng sẽ sung sướng khi được con cảm ơn vì đã đọc truyện trước giờ ngủ. Sức mạnh của chữ “cảm ơn” thật sự là rất to lớn, nó làm cả người nghe và người nói hạnh phúc hơn rất nhiều.

Vì thế, hãy luôn nói “cảm ơn” khi các bạn có thể.

Điều thứ ba: Phân biệt được điều đúng và điều tử tế

Giáo dục ngày hôm nay chú trọng dạy các bạn trẻ phân biệt điều đúng và điều sai, nhưng tiếc thay, điều đúng trong cuộc sống không phải lúc nào cũng là điều tử tế và khi nào thì cần làm điều đúng, khi nào cần làm điều tử tế?

Nhớ lại, có 1 lần tôi can một ông khách hung bạo đang tính đánh 1 bạn tiếp viên hàng không. Có một bất đồng gì đó về việc cân hành lý và ông khách tiến lại, giơ tay lên, tính tát bạn nữ tiếp viên kia, nhưng ngay lập tức tôi lao vào và chụp lấy cánh tay ông ấy. Tôi đã tin rằng đó là một điều đúng và tử tế để làm, nhưng khi kể lại cho một người bạn cũng làm tiếp viên thì bạn ấy nói rằng “lẽ ra anh cứ cho người khách đó đánh đi, để tụi em cấm bay và làm gương luôn, chứ khách thô bạo thì bây giờ nhiều vô kể”. Tương tự, khi kể cho mẹ nghe, mẹ lại rất lo lắng: “con làm mấy việc như vậy để làm gì, lỡ nó xuống máy bay đánh con thì sao?”.

Có rất nhiều thứ trên đời làm cho đúng và tử tế đôi khi thật khác nhau. Chúng ta có nên cho tiền một đứa trẻ ăn xin trên đường không, khi mà hành động tử tế đó có thể tiếp tay cho đường dây buôn bán trẻ em nhiều hơn? Về vụ việc 39 người Việt nhập cư trái phép vào nước Anh và không may thiệt mạng, chúng ta nên thương xót và quyên góp cho họ (và gián tiếp ủng hộ hành động di cư lậu) hay chúng ta nên chỉ trích và kệ mặc những gia đình đang đau khổ kia? Nhiều điều đúng và tử tế sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác.

Nhưng tôi tin rằng đôi khi, trở nên tử tế sẽ tốt hơn là trở nên đúng đắn. Để làm điều đúng, bạn cần một bộ óc thông minh và lý trí, nhưng để làm điều tử tế, bạn cần một trái tim nhân hậu và biết thấu cảm.

Điều thứ tư: hãy cười trong những lúc khó khăn và bất lực nhất

Mẹ đã nhắn tôi trước khi đi du học rằng: “Sẽ có rất nhiều thứ trong cuộc đời, con không chống lại được. Khi đó, đừng buồn khóc, mà hãy mạnh mẽ và tìm cách sống với những khó khăn đó. Cuộc đời khó khăn hay không là do cách nhìn cuộc đời của mình, con ạ. Và đã có những người biến những điều khó khăn, thậm chí là những trở ngại không tưởng, thành sức mạnh của chính họ”.

Thế hệ trẻ, các bạn hãy học cách mỉm cười mọi lúc trong cuộc sống!

Thạc sĩ giáo dục Lê Đình Hiếu (ĐH Pennsylnia, Mỹ) là gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA, ra trường đầu quân cho tập đoàn tài chính lớn tầm cỡ thế giới nhưng lại từ bỏ tất cả để về nước thực hiện các dự án vì cộng đồng. Anh sáng lập dự án Hear.Us.Now (HUN) dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ câm điếc, sáng lập Học viện Đào tạo phương pháp tư duy và kỹ năng sống G.A.P. Anh đã tự tổ chức hành trình đi qua các trường THPT và đại học trên cả nước để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.