38 nhà không phép ở Thủ Đức: Mua nhà xây dựng không phép, đòi tiền thế nào?

Phan Thương
Phan Thương
05/03/2020 13:45 GMT+7

Theo các luật sư, khi các bên không đạt được thỏa thuận khi mua bán, kể cả mua nhà xây dựng không phép thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện dân sự tại tòa để đòi hủy giao dịch và đòi bồi thường.

Như Thanh Niên đưa tin, UBND Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 1 tỉ đồng đối với ông Lê Tấn Tài về hành vi xây dựng không phép. Đồng thời, yêu cầu ông Tài phải khắc phục những sai phạm của các công trình xây dựng không phép trên đất quy hoạch. Trường hợp ông Tài không tự nguyện khắc phục, UBND quận sẽ ban hành các quyết định cưỡng chế.
Khu đất vi phạm của ông Lê Tấn Tài thuộc thửa đất số 61, 62, 63 tờ bản đồ số 14 tại đường 40, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức là đất trồng cây lâu năm thuộc quy hoạch cây xanh, đường giao thông. Nhưng từ năm 2015, ông Tài phân lô và xây dựng nhà để bán cho nhiều người. Từ các năm 2016 - 2019, ông Tài lại xây dựng nhiều căn nhà không phép trên khu đất này. Sự việc xây nhà không phép trên đã được chuyển sang Công an Q.Thủ Đức để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Mua bán nhà đất phải công chứng

Các luật sư khẳng định việc mua bán nhà đất chỉ có giá trị pháp lý khi chủ đất có giấy chứng nhận và giao dịch chuyển nhượng được công chứng chứng thực.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết theo luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất đai có quyền chuyển nhượng khi có đủ điều kiện như: giấy chứng nhận, đất không tranh chấp, trong thời hạn sử dụng… và việc chuyển nhượng phải được công chứng, chứng thực.
Vì vậy, theo luật sư Hùng, khi các giao dịch mua bán giữa ông Tài và người mua đã không tuân thủ các điều kiện về hình thức theo luật Đất đai năm 2013 thì giao dịch đương nhiên vô hiệu.

Những căn nhà xây trái phép ở khu đất vi phạm, được xác định của ông Lê Tấn Tài (46 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) đứng tên quyền sử dụng đất, bán cho dân vào ở

Ảnh: Công Nguyên

Đồng tình, luật sư Bùi Quốc Tuấn khẳng định trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi của mình, bên nhận chuyển nhượng nhà đất từ ông Tài yêu cầu ông Tài trả lại tiền và hủy bỏ giao dịch chuyển nhượng nếu cho rằng mình bị thiệt hại. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì bên mua có quyền khởi kiện tại tòa, yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
“Khi xác định giao dịch mua bán giữa người xây dựng không phép với bên mua vô hiệu thì hậu quả pháp lý chính là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường, theo Điều 131 bộ luật Dân sự năm 2015”, luật sư Bùi Quốc Tuấn khẳng định.
Theo LS Nguyễn Thị Sinh (Đoàn LS TP.HCM), trong trường hợp trên, những người mua nhà cần căn cứ theo hợp đồng đã kí với ông Tài khi mua nhà, đất để yêu cầu ông đền bù thiệt hại. “Cần phải xem lại trong hợp đồng đã kí với ông Tài, ông đã cam kết đất và nhà như thế nào, có đảm bảo hợp lệ về đất và nhà hay không? Hoặc trong hợp đồng có điều khoản đền bù hợp đồng khi có sự cố xảy ra như nhà bị cưỡng chế bị xử phạt xây dựng không phép,… thì căn cứ vào đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại", luật sư Sinh cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.