35% loại ung thư do dinh dưỡng, ăn uống

22/04/2017 09:00 GMT+7

Vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nói một năm chết 70.000 người và phát hiện thêm 200.000 ca ung thư nguyên nhân do thực phẩm bẩn là không chính xác.

Còn theo nhiều chuyên gia, chế độ dinh dưỡng và ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh ung thư.
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư VN, các nghiên cứu về dịch tễ học và thực nghiệm chỉ ra, khoảng 35% loại ung thư ở người là do chế độ dinh dưỡng, ăn uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. GS-TS Nguyễn Bá Đức khẳng định các chất độc hại có trong thực phẩm không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn gây ngộ độc mãn tính. Khi sử dụng nhiều lần hoặc kéo dài, những chất độc hại đó tích tụ lâu năm trong cơ thể, dẫn tới các tổn thương hoặc gây bệnh ở các bộ phận khác nhau hoặc ung thư.

Ung thư ở VN tăng nhanh nhất thế giới
Bác sĩ Tạ Văn Trình, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), cho biết tại VN bệnh ung thư tăng nhanh. Nếu những năm 1990 số ca mắc mới ung thư vào khoảng 70.000 ca/năm, thì năm 2015 lên đến 150.000 ca; ước tính đến năm 2020 số mắc mới ung thư mỗi năm ở VN khoảng 200.000 ca.
Thực phẩm bẩn là yếu tố nguy cơ gây ung thư Ảnh: Công Nguyên

“Tốc độ tăng các ca mắc mới ung thư ở VN vào loại nhanh nhất thế giới”, bác sĩ Trình nói và cho biết thêm ở nam giới VN, ung thư phổi và gan chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là ung thư đại trực tràng, vòm họng, thực quản. Trong khi đó ở nữ giới ung thư vú, phổi, gan, cổ tử cung... đứng đầu bảng trong 10 ung thư thường gặp. Đây cũng là những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu đối với cả hai giới.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm VN có hơn 75.000 người chết do ung thư, trung bình một ngày có hơn 200 người chết do ung thư. Chỉ với các loại ung thư: vú, gan, đại tràng, khoang miệng, dạ dày, tốn chi phí lên tới gần 26.000 tỉ đồng/năm.
Chai hóa chất được dùng để “phù phép” thịt heo thối thành loại thịt đặc sản như thịt nai và một số loại khác Ảnh: Hoàng Việt

Một số chất kích thích tăng trưởng rau, quả có thể gây bệnh ác tính. Khi con người đưa vào cơ thể sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi lạm dụng thuốc, hóa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư
GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư VN
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, có các nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc ung thư hiện nay, gồm: ô nhiễm các chất độc hại, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất thực phẩm nông sản - làm gia tăng nhiều loại ung thư như: vú, hạch, dạ dày, ung thư thực quản...; do bảo quản sản phẩm, vì lợi nhuận bán hàng mà nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh sử dụng hóa chất bảo quản vô tội vạ, vượt ngưỡng cho phép nhiều lần để thực phẩm tươi lâu hơn - việc này vô cùng nguy hiểm, người sử dụng bị chất độc ngấm vào cơ thể từ từ, tích tụ, đến thời điểm sẽ bộc phát thành bệnh; trong quá trình chế biến, sử dụng thực phẩm cháy quá, thực phẩm hun khói, khi ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư đường tiêu hóa; tiếp nữa là do người dân sử dụng thức ăn chưa khoa học, ăn quá nhiều mỡ động vật mà không ăn bổ sung các sản phẩm rau xanh, hoa quả và tinh bột.
Chất độc trong thực phẩm bẩn có thể gây ung thư bất cứ bộ phận nào
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ung thư do nhiều nguyên nhân như: cơ địa con người, môi trường, thực phẩm… Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chế độ sinh hoạt và ăn uống có liên quan đến việc gây bệnh ung thư.
Mô tả thêm, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát của Bệnh viện Q.Thủ Đức (TP.HCM), khẳng định các loại thực phẩm nếu được bảo quản không tốt sẽ sinh nấm mốc tạo ra chất aflatoxin gây ung thư gan; hàn the (làm dai thực phẩm) hoặc chất tinopal dùng trong bún hoặc phở có thể gây tổn thương thận, đường tiêu hóa và gây ung thư; các loại rau củ bị “tắm” thuốc trừ sâu, phân bón quá nhiều cũng có thể gây ung thư; các loại đồ nướng quá cháy, khét cũng có thể gây ung thư.
GS-TS Nguyễn Bá Đức cảnh báo: “Một số chất kích thích tăng trưởng rau, quả có thể gây bệnh ác tính. Khi con người đưa vào cơ thể sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi lạm dụng thuốc, hóa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư”. Theo GS-TS Đức, thực phẩm bẩn có thể gây một số loại ung thư, nhưng nhiều nhất là ung thư bộ phận trực tiếp hấp thu thực phẩm là hệ tiêu hóa như: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư gan… Trong đó, hiện ung thư dạ dày chiếm tới gần 20% trong số các bệnh ung thư đang hoành hành ở VN. Chất độc trong thực phẩm bẩn không chỉ dừng lại ở đường tiêu hóa mà còn thấm vào máu và có khả năng đi khắp cơ thể, cho nên bất cứ bộ phận nào cũng có thể mắc ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (nay là Viện Y tế công cộng TP.HCM), lo ngại thực phẩm ở ngoài môi trường hay chế biến công nghiệp đều có nguy cơ bị nhiễm bẩn do quá trình nuôi trồng, xử lý, vận chuyển, khai thác, bảo quản, hoặc sản xuất cho thêm hóa chất độc hại. Các loại thực phẩm được nuôi, trồng ở các vùng ô nhiễm thủy ngân, chì, sông rạch - cống rãnh nước thải công nghiệp... dễ bị nhiễm độc - được xem là thực phẩm nhiễm bẩn.
Heo sữa thối bị bắt giữ trước khi chế biến tại TP.HCM

Về bệnh tật do thực phẩm nhiễm bẩn, theo bác sĩ Mai, tùy theo thực phẩm mang yếu tố độc hại nào thì gây ra bệnh đó. Chẳng hạn: vụ cá nhiễm độc thủy ngân ở Nhật Bản và dân ăn cá bị nhiễm bệnh. Nhưng, những thực phẩm không sạch gây ra bệnh đường tiêu hóa là gặp nhiều nhất.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhìn nhận trong phần lớn các vụ ngộ độc tập thể gần đây, có nguyên nhân do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Vi khuẩn sinh sôi trong thực phẩm bẩn hoặc trong quá trình chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh, gây đi ngoài, nôn ói, sốt, đau bụng... Nếu bị nhiễm khuẩn nặng có thể tử vong.

tin liên quan

'70% người bị ung thư do ăn thực phẩm bẩn'
Đó là con số mà đại tá Lê Tấn Tảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đưa ra tại lễ ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 1.4.

“Tuy nhiên, các nguyên nhân ngộ độc do hóa chất trong thực phẩm phức tạp vì có quá nhiều loại hóa chất, thường xuyên có thêm hóa chất mới; biểu hiện ngộ độc của mỗi hóa chất khác nhau, có thể rầm rộ và rõ ràng nhưng có thể kín đáo, trong khi năng lực xét nghiệm xác định chất độc ở ta không theo kịp... nên việc chẩn đoán rất khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh và nói thêm: ung thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể phát hiện ra ngay, việc tích lũy yếu tố gây bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa từng người. Nhưng có thể khẳng định rằng việc tiêu thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: Thực phẩm bẩn là thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật như vi khuẩn, nấm mốc; có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cao hơn mức an toàn; chứa phẩm màu phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc có chất tăng trọng bị cấm sử dụng... Ngay cả phụ gia, hóa chất được dùng trong thực phẩm nhưng vượt ngưỡng cũng được coi là thực phẩm không an toàn. Có nhiều tác nhân gây ung thư - có thể do vi rút, hóa chất, biến đổi gien, ô nhiễm môi trường nước, không khí, thực phẩm bẩn... Như vậy, không phải mọi trường hợp ung thư đều do thực phẩm bẩn, nhưng nếu dùng thực phẩm không an toàn cũng có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc một số ung thư.
Liên Châu
Cần có công trình nghiên cứu

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, số ca mắc mới bệnh ung thư VN gia tăng hằng năm nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học, lâm sàng để tìm ra bằng chứng khoa học.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân ăn uống thực phẩm bẩn, thực phẩm có độc tố. Do vậy, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, trước tỷ lệ gia tăng số mắc bệnh ung thư hằng năm như hiện nay, ngoài kiểm soát an toàn thực phẩm, loại bỏ thực phẩm bẩn và độc hại, ngành y tế cần có những công trình nghiên cứu khoa học để tìm ra những bằng chứng cụ thể làm căn cứ đưa ra các khuyến cáo cho người dân.
Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.