3.000 học sinh chỉ có 1 chuyên viên tâm lý, làm sao tư vấn tốt được?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
25/08/2023 10:12 GMT+7

Phải kiêm nhiệm nhiều việc, áp lực từ cấp trên và đồng nghiệp, năng lực hạn chế hay mức đãi ngộ chưa tương xứng… là những khó khăn của những chuyên viên tâm lý học đường hiện nay.

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều khó khăn mà các chuyên viên tâm lý học đường gặp phải trong công việc tại Hội thảo khoa học: "Tăng cường các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường", diễn ra vào hôm 24.8, tại Q.3, TP.HCM do Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM tổ chức.

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Hiền Dương, đại diện nhóm giáo viên Hệ thống TGC, cho rằng những khó khăn của chuyên viên tâm lý học đường hiện nay là các chương trình đào tạo cử nhân các nhóm ngành tâm lý ở các trường đại học chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng cơ bản về giới tính, văn hóa, lứa tuổi… mà không dạy thêm nhiều về các kỹ năng thực hành chuyên sâu. 

Bà Dương còn cho rằng các trường đại học có những định hướng, đào tạo chuyên môn tâm lý học đường không đồng nhất. Cụ thể, ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có ngành tâm lý học và tâm lý học giáo dục, còn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đào tạo tâm lý học nhưng theo 2 định hướng là: tham vấn - trị liệu và định hướng tổ chức - nhân sự. 

Chuyên viên tâm lý học đường đang gặp khó khăn gì? - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia có mặt trong buổi hội thảo

Phạm Hữu

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, cố vấn tâm lý học đường IGC Group, cũng cho biết có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công việc của chuyên viên tâm lý học đường hiện nay. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất thuộc về chương trình đào tạo nghề tham vấn tâm lý ở các trường đại học, vì nội dung đào tạo còn phiến diện. Ngoài ra, yếu tố cơ sở vật chất ở nơi làm việc thiếu yên tĩnh, thường chịu sự chi phối của các thiết bị camera, năng lực chuyên viên còn hạn chế, công tác quản lý của ban giám hiệu còn bất cập, phân công nhiều người quản lý, can thiệp sâu vào công việc của chuyên môn, chưa quy định trách nhiệm phối hợp…

Thạc sĩ Hứa Vĩnh An, chuyên viên tâm lý học đường Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nêu một số khó khăn khác là thiếu nguồn nhân lực cho công tác tâm lý học đường. Ông An lấy ví dụ: "Trường THPT Marie Curie có gần 3.000 học sinh mà chỉ có 1 chuyên viên tâm lý là điều khó khăn và dường như không thể đáp ứng theo quy định".

Ngoài ra, theo thạc sĩ An còn một số yếu tố khách quan khác như nhu cầu tự tìm đến tư vấn tâm lý của học sinh, phụ huynh không nhiều. Chuyên viên tư vấn tâm lý còn chịu ảnh hưởng từ thời khóa biểu, những mùa thi, kỳ nghỉ hè hoặc các thay đổi trong chương trình đào tạo khiến thời gian học sinh tìm đến nhờ sự hỗ trợ về mặt tâm lý khá ngắn. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng đề xuất ban giám hiệu các trường cần chỉ đạo xuyên suốt, tăng cường nhận thức, tạo sự thống nhất trong nhà trường về công tác tâm lý học đường. Cần xem đó là một nhiệm vụ chăm lo toàn diện cho học sinh trong mục tiêu giáo dục và là sự chung sức của cả trường chứ không riêng bộ phận tâm lý. Ngoài ra, trường cần trang bị phòng tâm lý riêng biệt với đầy đủ phương tiện, phân công duy nhất một người quản lý, xây dựng chế độ làm việc với mức lương thỏa đáng.

Tiến sĩ Hồng cho rằng các giáo viên khác cần nhận thức rõ vai trò và phối hợp với chuyên viên tâm lý, thông tin thường xuyên về các vấn đề của học sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, giáo viên cần tôn trọng sự tham vấn riêng tư và nguyên tắc bảo mật. Giáo viên không nên đánh giá lỗi của học sinh theo nội quy giáo dục mà mở lòng tham gia tư vấn tâm lý cho các em.

Chuyên viên tâm lý học đường đang gặp khó khăn gì? - Ảnh 2.

Tham vấn là một trong những công việc của người học ngành tâm lý học

Đào Ngọc Thạch

Bà Hiền Dương cũng kiến nghị các trường đại học cần tăng cường thực hành cho sinh viên học ngành tâm lý. Về phía Bộ GD-ĐT cần đưa ra những tiêu chí, quyền hạn cụ thể cho chuyên viên tâm lý học đường để đơn vị tuyển dụng và chuyên viên có khung làm việc, nhận thức trách nhiệm trong công việc, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm.

Thạc sĩ An cũng kiến nghị: "Với số lượng học sinh khá đông như hiện nay thì mỗi trường nên có ít nhất 2 chuyên viên tâm lý học đường, hoặc có thể là 1 chuyên viên tâm lý học đường và 1 tham vấn tâm lý. Điều này giúp mỗi người được vận hành tương ứng với từng vai trò trong mô hình và làm tốt hơn lĩnh vực chuyên môn".

Thạc sĩ An nói thêm cần có đội ngũ giám sát chuyên môn từ quá trình vận hành đến các phiên tham vấn diễn ra tại phòng tâm lý của trường. Điều này giúp đảm bảo chất lượng, tiến độ, vừa là một kênh hỗ trợ cho các chuyên viên trong quá trình thực hành chăm sóc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.