300 năm Văn miếu Trấn Biên

18/03/2015 10:13 GMT+7

Ngày 21.3, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Văn miếu Trấn Biên tròn 300 năm. Đây là văn miếu được hình thành sớm nhất ở khu vực Nam bộ.

Ngày 21.3, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Văn miếu Trấn Biên tròn 300 năm. Đây là văn miếu được hình thành sớm nhất ở khu vực Nam bộ.

300 năm Văn miếu Trấn Biên
Lễ Tết thầy cô được tổ chức vào ngày mùng 3 Tết hàng năm tại VMTB- ảnh G.K
Theo kế hoạch, chương trình kỷ niệm 300 năm ngày VMTB diễn ra vào lúc 18 giờ 30 ngày 21.3, ngoài nghi thức dâng hương của đại biểu và đại diện học sinh, diễn văn của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tri ân những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp sự phát triển VMTB; còn có chương trình văn hóa, văn nghệ và đơn ca tài tử.
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam thông chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Văn miếu Trấn Biên (VMTB) được xây dựng vào năm Ất Mùi (1715), dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Lý do Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ dinh Trấn Biên và Ký lục Phạm Đức Khánh lựa chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là P. Bửu Long, TP. Biên Hòa) để xây dựng VMTB vì khi đó Biên Hòa là nơi dân cư ổn định, phát triển hơn nhiều vùng khác, kể cả Gia Định. Việc hình thành VMTB đối với chúa Nguyễn có ý nghĩa như là sự khẳng định những giá trị văn hóa và cả chính trị ở vùng đất mới.
VMTB được trùng tu lớn vào năm Giáp Dần (1794) và năm Nhâm Tý (1852), đều đích thân các quan lại phụng mệnh người đứng đầu triều đình thời bấy giờ thực hiện. Vào năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa đã cho tàn phá VMTB. Năm 1998, UBND tỉnh Đồng Nai đã khởi công, xây dựng VMTB trên diện tích rộng 2 ha và đến năm 2002 thì công trình hoàn thành.
Giống như những văn miếu khác, VMTB thờ Khổng Tử, vị “khai sáng” của Nho giáo và Nho học. Bia Khổng Tử được đặt ở vị trí trang trọng từ ngoài (đối diện nhà thờ chính), thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tôn trọng tri thức. Nhà thờ chính (Bái Đường) xây dựng kiểu nhà 3 gian 2 chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, trên các cột nhà treo đôi liễn đối. Gian trung tâm thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969). Gian bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… Gian bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu.
Phía trước, bên phải nhà thờ chính là gian Văn vật khố, trưng bày và lưu giữ 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa– Đồng Nai (nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm). Đối diện là gian Thư khố, trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai. Ngoài ra, VMTB còn có khu sinh hoạt truyền thống như Khuê Văn Các (vẻ đẹp ngôi sao Khuê, ngôi sao chủ đạo trong bầu trời văn học); nhà Đề danh (ghi danh, tôn vinh các cá nhân và đơn vị lên bảng vàng hoặc bia đá để lưu giữ lâu dài); Văn Miếu môn (Cổng Văn miếu); hồ Thiên Quang Tịnh (giếng ánh sáng mặt trời)…
Kết nối văn hóa, cộng đồng…
Theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm VMTB, văn miếu ngày nay được làm nơi hoạt động thờ phụng, tế lễ; tôn vinh nhân tài, điển hình tiên tiến của địa phương; sinh hoạt, giáo dục văn hóa…. “Như trở thành truyền thống, cứ vào mùng 3 Tết, VMTB đều tổ chức lễ Tết thầy cô. Tại đây, giáo viên và học sinh dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân; sau đó tôn vinh các tập thể, giáo viên tiêu biểu, các thủ khoa, các học sinh xuất sắc; học sinh dâng hoa tặng thầy cô… Đây là khác so với các văn miếu khác”, ông Ninh cho biết. Chưa hết, vào ngày giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (21.7 âm lịch hàng năm), hàng trăm người dân ở Biên Hòa tổ chức nghi thức gọi là lễ tế theo nghi thức dân gian Nam bộ nhằm tưởng niệm ngày mất của Bác Hồ kính yêu.
Cũng theo ông Ninh, nhân kỷ niệm VMTB tròn 300, văn miếu sẽ nhân giống 300 cây đa để tặng các trường học trên địa bàn tỉnh. “Phải làm các em tò mò, tìm hiểu cây đa văn miếu thì có đặc biệt gì, đó là sự kết nối giữa văn miếu với trường học. Chưa hết, đến ngày giỗ Bác Hồ, có trên 50 đình, miếu… về đây tổ chức lễ giỗ, sinh hoạt chuyên đề, đây là sự kết nối cộng đồng lại với nhau. Ngoài ra, cứ vào ngày Tết Nguyên tiêu (16 Âm lịch) thì văn nghệ sĩ về dâng hương, dâng tặng những tác phẩm do mình sáng tác vào nhà Thư khố (như thư viện) để sau ngày con cháu có tìm kiếm thì đến văn miếu, đó là kết nối giới văn nghệ sĩ với nhau. Hay như kết nối cộng đồng doanh nghiệp lại với qua việc xây dựng vườn tượng doanh nhân, đường hoa xuân …”, ông Ninh cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.