3 yếu tố giúp tăng chiều cao cho trẻ

An Dy
An Dy
06/06/2022 08:11 GMT+7

Ngoài chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng, còn có những yếu tố khác tác động lên chiều cao của trẻ. Do đó, phụ huynh cần lưu tâm để giúp con phát triển chiều cao tốt nhất có thể.

Ngày 4.6, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Ngày hội “Con yêu vui khỏe, vững bước tương lai” do Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp Phòng khám ACC (thành viên Tập đoàn FV) tổ chức. Chương trình thu hút gần 200 cặp mẹ con tham dự với nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà và đặc biệt là khám sức khỏe miễn phí với các chuyên khoa thần kinh cột sống, cơ xương khớp, dinh dưỡng...

3 nguyên nhân chính dẫn tới vẹo cột sống

Cũng như các phụ huynh khác khi đến với chương trình, chị Hoàng Thị Hà (ngụ Đà Nẵng) có những mối quan tâm chung về sức khỏe của con mình, như bệnh theo mùa, tư vấn dinh dưỡng đúng cách để tăng chiều cao, tư vấn bệnh học đường, đặc biệt là bệnh vẹo cột sống của con trẻ...

“Qua thăm khám tại chương trình, tôi mới biết con tôi bị vẹo cột sống mà mắt thường chưa nhìn ra được. Hoạt động thăm khám, tư vấn sức khỏe cho trẻ em như thế này cần được tổ chức nhiều hơn để trẻ có cơ hội được quan tâm, chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, chị Hà nói.

Bác sĩ Wade Brackenbury khám cột sống cho trẻ

AN DY

Bác sĩ (BS) Wade Brackenbury, chuyên khoa thần kinh cột sống của Phòng khám ACC, cho biết bằng kinh nghiệm nhiều năm thăm khám cho trẻ em VN, ông thấy có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng vẹo cột sống ở trẻ nhỏ. Trước tiên là yếu tố di truyền, chiếm khoảng 30% gây ra bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Yếu tố thứ hai là tư thế, nếu tư thế xấu, không tốt có thể gây cong vẹo, lệch cột sống. Yếu tố thứ ba là bàn chân bẹt, làm lệch xương chậu, từ đó làm vẹo cột sống.

“Nếu trẻ nhỏ có cột sống bình thường thì nên kiểm tra cột sống mỗi năm một lần. Nếu trẻ có dấu hiệu vẹo cột sống thì cần được kiểm tra mỗi tháng. Do đó, tùy vào tình trạng cột sống sẵn có của trẻ, mà khi thăm khám, các BS sẽ chỉ định tần suất kiểm tra cột sống cho trẻ”, BS Wade tư vấn cho các phụ huynh.

Dinh dưỡng tăng chiều cao được quan tâm nhất

Cùng với hoạt động thăm khám cột sống, khám bàn chân bẹt cho trẻ, các cặp mẹ con còn được các BS chuyên khoa dinh dưỡng tư vấn dinh dưỡng giúp phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ, chỉ ra các yếu tố tác động lên chiều cao trẻ em, các giai đoạn phát triển nhanh về chiều cao, vai trò của ngủ đủ giấc tác động đến tăng chiều cao...

Các BS lưu ý có 3 yếu tố phụ huynh cần quan tâm để chiều cao của trẻ được phát triển tốt nhất.

Thứ nhất là dinh dưỡng. Trong đó, vai trò của các chất dinh dưỡng khác ngoài canxi và vitamin D là kẽm, sắt, đạm... giúp xương chắc khỏe. Hay nhu cầu canxi và khẩu phần theo lứa tuổi, tầm quan trọng của việc bổ sung đủ canxi ở trẻ em giúp tăng khối lượng xương đỉnh, giảm tỷ lệ gãy xương, cải thiện chiều cao... Đặc biệt, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của người VN như thói quen ăn mặn, chế độ ăn quá nhiều đạm, nhiều oxalat (trong một số loại rau củ), nhiều phytate (trong ngũ cốc và đậu, hạt), nhiều photpho (cùng lúc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và hải sản). Ưu tiên những thực phẩm cung cấp canxi cho trẻ ngoài sữa như cua, tép, lòng đỏ trứng gà, vừng, mộc nhĩ, cần tây...

Yếu tố thứ hai và ba thuộc về lối sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày, cần được cha mẹ lưu tâm để điều chỉnh và duy trì cho trẻ.

“Dinh dưỡng để tăng chiều cao tối ưu được các phụ huynh quan tâm nhất với mục tiêu giúp con phát triển chiều cao. Ngoài chế độ dinh dưỡng đúng, phải tăng cường thể dục thể thao như bơi lội, bóng rổ, những môn thể thao vận động giúp vững chắc khung xương. Một yếu tố quan trọng không kém là trẻ cần phải ngủ đủ giấc, và thường xuyên được theo dõi độ tăng trưởng chiều cao”, Th.S-BS Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện FV, tư vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.