3 xu hướng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam

01/12/2023 08:02 GMT+7

Lấy trọng tâm vào người dân, xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và phát triển các khu công nghiệp thông minh đang là xu hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 40 địa phương triển khai IOC (trung tâm điều hành thông minh) cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.

Các đô thị hiện phát triển dịch vụ thông minh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, ứng dụng cảnh báo. Qua đó, có thể rút ra 3 xu hướng phát triển đô thị thông minh chính tại Việt Nam hiện nay.

3 xu hướng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam - Ảnh 1.

Các địa phương đều xác định dữ liệu là "huyết mạch" của một đô thị thông minh

Chụp màn hình

Xây dựng đô thị thông minh hướng trọng tâm vào người dân và doanh nghiệp

Cùng với xu hướng chuyển đổi số toàn diện, chính quyền đô thị các cấp đến nay đều xây dựng đề án đô thị thông minh, tập trung vào thông minh hóa hệ thống quản lý, vận hành chính quyền, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. Theo báo cáo công bố tại Giải thưởng và Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2023 (diễn ra ngày 29 và 30.11), nhiều thành phố, đô thị đã chuyển sang giai đoạn 2 là "Xây dựng thành phố thông minh, bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp".

Người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà trở thành nhân tố quan trọng, tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của địa phương. Ví dụ tại Đà Nẵng, chính quyền cho lắp 70 camera thông minh, cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi có vấn đề. Hay tại Huế, ứng dụng Huế-S của tỉnh được định vị là siêu ứng dụng, tích hợp dịch vụ của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp để họ cùng tham gia, phản ánh các vấn đề phát sinh.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất - "bộ não" của đô thị thông minh

Để phát triển thành phố thông minh bền vững, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất, xuyên suốt. Các đô thị Việt Nam cũng đang hướng tới các mục tiêu này.

Thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều đô thị khác trên cả nước đều xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, "huyết mạch" trong chuyển đổi số và phục vụ đô thị thông minh. Mỗi địa phương đều triển khai quy hoạch và các phương án xử lý, tích hợp dữ liệu theo quy mô và tình hình đặc thù, nhưng chủ yếu hướng đến việc đưa dữ liệu dùng chung để người dân và doanh nghiệp trên địa bàn cùng khai thác, sử dụng trong tương lai.

Đại diện các đơn vị nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023

Đại diện các đơn vị nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023

CTV

Theo ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất - "bộ não" của đô thị thông minh. "Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững trong dài hạn dù thay đổi cơ chế quản lý, nhà cung cấp giải pháp, hay chỉ tiêu phát triển", ông Quang nhấn mạnh.

Phát triển khu công nghiệp thông minh

Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện tử, điện thoại, máy tính, chip bán dẫn... Với cam kết của Chính phủ về Net Zero năm 2050, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cũng đang bước vào một cuộc đua mới: phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm: "Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.