3 vấn đề công nghệ quyết định đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
07/01/2019 07:03 GMT+7

Hôm nay 7.1, hai nền kinh tế số một thế giới bắt đầu bước vào các cuộc đàm phán thương mại với hy vọng đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày hòa hoãn leo thang căng thẳng.

Nếu hai nước Mỹ, Trung Quốc không đạt được bất cứ thỏa thuận nào trước thời hạn ngày 1.3, căng thẳng thương mại đôi bên sẽ tăng tiến. Nhiều cuộc thảo luận trung và cao cấp đã được lên lịch. Đặc biệt, South China Morning Post đưa tin ông Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể hội đàm với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ).
Theo Bloomberg, bế tắc thương mại Mỹ - Trung sẽ phần nào được mở khóa nếu bảy vấn đề lớn được giải quyết. Đó là khả năng tiếp cận thị trường cho ngân hàng, thuế quan ô tô, nhập khẩu nông nghiệp, năng lượng, kế hoạch Made in China 2025, Huawei và 5G, và sở hữu trí tuệ. Ba trong số bảy vấn đề này có liên quan đến công nghệ.

1. Sở hữu trí tuệ

Mỹ cáo buộc Trung Quốc buộc doanh nghiệp Mỹ chia sẻ công nghệ nhạy cảm và đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Đây là một trong các vấn đề “đau đầu” nhất, có thể quyết định sự thành bại của thỏa thuận tiềm năng. Cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày sẽ tập trung vào “nhiều thay đổi về cấu trúc” trong cách Trung Quốc xử lý việc chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, xử lý tình hình trộm cắp mạng và nhiều chuyện khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sau cuộc gặp gỡ ở Argentina tháng 12.2018.
Trung Quốc công bố một loạt hình phạt có thể hạn chế doanh nghiệp tiếp cận với khoản vay và nguồn tài trợ từ nhà nước nếu doanh nghiệp có hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ. Nước này còn đang soạn thảo luật để chặn chuyện buộc doanh nghiệp ngoại chuyển giao công nghệ, song chi tiết và cách thức thực hiện của luật mới vẫn chưa rõ.

2. Huawei và 5G

Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, từ lâu bác bỏ cáo buộc tạo điều kiện cho gián điệp nước nhà hoạt động của Mỹ và đồng minh. Công ty chạy đua phát triển công nghệ 5G, hiện sở hữu 1/10 bằng sáng chế thiết yếu trên toàn cầu. Dù vậy, nỗ lực của Huawei bị Mỹ làm khó khi nước này cấm thiết bị Huawei khỏi danh sách mua sắm công và khuyến khích nhiều nước khác làm theo.
Bắc Kinh cũng đã yêu cầu Canada trả tự do cho giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, người bị bắt ở Canada và có thể bị dẫn độ về Mỹ vì cáo buộc gian lận ngân hàng. 

3. Made in China 2025

Kế hoạch Made in China 2025 đặt mục tiêu biến Trung Quốc thành nước đi đầu sản xuất tiên tiến bằng cách nhắm vào 10 lĩnh vực mới nổi, trong đó có robot, phương tiện năng lượng sạch và công nghệ sinh học. Tham vọng công nghiệp công nghệ khiến Nhà Trắng lưu ý, cho rằng sự can thiệp do nhà nước dẫn dắt có thể vi phạm quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể tạo ra sân chơi không công bằng cho giới đầu tư ngoại.
Thuế quan mà ông Trump ban hành hiện nhằm vào nhiều ngành công nghiệp quan trọng trong kế hoạch. Bắc Kinh xem Made in China 2025 là thiết yếu để đạt nhiều mục tiêu kinh tế dài hạn. Tháng trước, nhiều nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc có thể sẵn sàng sửa đổi kế hoạch, thậm chí hoãn một số mục tiêu lại 10 năm, nếu điều này giúp chấm dứt chiến tranh thương mại. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.