3 thách thức không hề nhỏ với doanh nghiệp Việt khi thực hiện FTA 'thế hệ mới'

Quý Hiên
Quý Hiên
06/06/2020 00:01 GMT+7

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” sẽ đem lại các cơ hội chưa từng có đối với nền xuất khẩu của Việt Nam, song các doanh nghiệp Việt cũng sẽ đối mặt với 3 thách thức không hề nhỏ.

Ngày 5.6, Trường đại học Thương mại phối hợp với Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Tác động của các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” tới thương mại và đầu tư của Việt Nam”.
Tại hội thảo, các học giả và các nhóm nghiên cứu của 2 trường đại học nêu trên cho rằng, do bao gồm các cam kết rất mạnh cũng như ảnh hưởng đến nhiều góc độ của việc tự do hóa thương mại, FTA “thế hệ mới” sẽ đem lại các cơ hội chưa từng có đối với nền xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế trong việc tăng cường kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên hiệp định, do mức thuế quan nhập khẩu được cắt giảm mạnh mẽ.
Hoặc các cam kết bao phủ của FTA “thế hệ mới” sẽ tạo điều kiện và động lực để thay đổi, cải thiện các chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất và cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự phát triển của các tiêu chuẩn, chuẩn mực của môi trường kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi và bối cảnh ổn định, kích thích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các FTA “thế hệ mới” cũng có các quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế bớt những công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo,thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nêu ra 3 thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện FTA “thế hệ mới”.
Thứ nhất, tuy sự cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế tăng cường khả năng sản xuất trong nước, nhưng lại là mối đe dọa với những doanh nghiệp nhỏ, có khả năng sản xuất thấp, cũng như mức độ hiệu quả chưa cao.
Thứ hai, tính chất phức tạp và sâu rộng của các cam kết trong FTA “thế hệ mới” sẽ khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong việc tiếp cận, cũng như tận dụng triệt để các cơ hội mà các hiệp định “thế hệ mới” đưa ra.
Thứ ba, song song với việc các nước thành viên cam kết giảm thuế là cam kết giảm thuế quan nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc tham gia vào các FTA “thế hệ mới” sẽ đồng nghĩa với việc tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế nhập khẩu trên tổng thu ngân sách nhà nước sẽ có xu hướng giảm, gây ảnh hưởng đến các chi tiêu, tiêu dùng công cộng.
PGS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết sau hội thảo, các nhóm nghiên cứu của 2 trường sẽ soạn thảo kiến nghị gửi các cơ quan ban hành chính sách, đồng thời phổ biến rộng rãi các vấn đề về học thuật, giúp các doanh nghiệp đổi mới tư duy và thúc đẩy hoạt động sản xuất. 

Theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại, Việt Nam hiện nay đang tham gia đàm phán cũng như đã ký kết các  FTA “thế hệ mới”, điển hình như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.