3 nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng dẫn dắt nhóm nghiên cứu thiên văn tại ICISE

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
25/07/2022 17:08 GMT+7

Ba nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng sẽ dẫn dắt nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn (SAGI) thuộc tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE - ở TP.Quy Nhơn, Bình Định ).

Ngày 25.7, tại ICISE, Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức 2 hội thảo khoa học quốc tế thuộc chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18 năm 2022.

Trong đó, hội thảo khoa học quốc tế “Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân - Tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” có 31 nhà khoa học tham gia, bao gồm 4 người Việt Nam và 27 người đến từ 10 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế “Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi” có 32 nhà khoa học, bao gồm 18 người Việt Nam và 14 người đến từ 6 quốc gia khác.

Bộ trưởng Bộ KH - CN Huỳnh Thành Đạt (bìa phải), GS Trần Thanh Vân trò chuyện với TS Nguyễn Trọng Hiền và TS Hoàng Chí Thiêm

hoàng trọng

Tại lễ khai mạc, TS Nguyễn Trọng Hiền (chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ - NASA) tuyên bố khởi động nhóm Vật lý thiên văn tại Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE - trực thuộc ICISE) do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ. Tên Viết tắt tiếng Anh của nhóm là SAGI (Simons Astronomy Group at ICISE).

TS Nguyễn Trọng Hiền (chuyên gia nghiên cứu tại NASA) tuyên bố khởi động nhóm Vật lý thiên văn tại IFIRSE, trực thuộc ICISE)

hoàng trọng

Nhóm SAGI được sự hỗ trợ và dẫn dắt của 3 nhà khoa học gốc Việt gồm: TS Nguyễn Trọng Hiền; TS Hoàng Chí Thiêm, công tác tại Viện Khoa học vũ trụ và thiên văn học Hàn Quốc; TS Nguyễn Lương Quang, công tác tại ĐH Mỹ ở Paris (American University of Paris).

GS Trần Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và các nhà khoa học, các đại biểu… tặng hoa chúc mừng nhóm Vật lý thiên văn SAGI

hoàng trọng

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thiên văn học là một lĩnh vực khoa học đang còn thiếu và yếu về nhân lực tại Việt Nam cùng các nước đang phát triển. Nhờ kết nối của các nhà khoa học gốc Việt đang công tác ở các cơ quan nghiên cứu nước ngoài, nhóm nghiên cứu SAGI được thành lập tại ICISE.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại lễ khai mạc các hội thảo

hoàng trọng

“Với nguồn lực chất xám quốc tế và sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Simons, hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ có nhiều đóng góp tiềm năng cho các nghiên cứu thiên văn học ở Việt Nam, tăng cường nghiên cứu lĩnh vực này cho Trường ĐH Quy Nhơn và hỗ trợ Trung tâm Khám phá khoa học ở Quy Nhơn làm chủ các thiết bị và khai thác tốt, hiệu quả kính thiên văn hiện đại và lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.

GS Trần Thanh Vân phát biểu

hoàng trọng

GS Trần Thanh Vân cho biết, 2 nhóm nghiên cứu tại ICISE là Nhóm Vật lý Neutrino (đang tham gia thí nghiệm quốc tế Super-Kamiokande tại Nhật Bản -PV) và Nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn đang được dẫn dắt bởi các nhà khoa học có khả năng và nhiều kinh nghiệm, đồng thời nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng khoa học quốc tế. Ông Vân cũng bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Nafosted, quan tâm, ủng hộ để 2 nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành phát triển thuận lợi hơn.

Việt Nam luôn coi trọng và đầu tư cho nghiên cứu khoa học

Bộ trưởng Bộ KH - CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Đến năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí số 45, vào top 50 thế giới với 18.381 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học của thế giới.

Việt Nam cũng đã từng bước tạo lập được môi trường học thuật tiên tiến và lành mạnh trong nước, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về nước tiếp tục phát triển các trường phái nghiên cứu tiên phong, hình thành được các tập thể khoa học mạnh có trình độ quốc tế. Điển hình như Viện Toán học, Viện Vật lý, Viện Vật liệu, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam; Trường ĐH quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM; Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội; Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Viện Vật lý Kỹ thuật - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội...

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản

hoàng trọng

Ông Đạt cảm ơn sự đóng góp của GS Trần Thanh Vân và các nhà khoa học quốc tế đối với nền khoa học của Việt Nam. “Xin được cảm ơn và mong muốn được thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước tại các sự kiện khoa học rất có ý nghĩa tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - ICISE trong thời gian đến”, ông Đạt nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.