3 năm đào tạo đại học sao được khi những môn chung đã mất 1,5 năm?

Quý Hiên
Quý Hiên
24/08/2018 22:00 GMT+7

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc học theo nước ngoài quy định khung thời gian đào tạo đại học 3 năm là vô lý, khi sinh viên các nước không phải học các môn tiếng Anh, quân sự, giáo dục thể chất...

Một trong các vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo tại hội thảo góp ý cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục đại học, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức chiều nay (24.8) tại Hà Nội là quy định khung thời gian đào tạo đại học.
Theo TS Đặng Văn Định, Trường đại học Bình Dương, khi hoàn thiện dự thảo luật, ban soạn thảo cần cân nhắc những vấn đề thuộc nghiệp vụ quản lý giáo dục đại học, chẳng hạn về thời gian đào tạo đại học. Theo điều 35 của dự thảo luật, thời gian “đào tạo trình độ đại học thực hiện từ 3 - 5 năm học tập trung” là bất ổn, bởi không xét đến thực tế giáo dục đại học Việt Nam có khối lượng kiến thức chính trị, quân sự, thể dục thể thao lớn.
“Nếu quy định như dự thảo thì không còn đủ quỹ thời gian cho các môn chuyên ngành”, TS Định nói.
Cùng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng cần phải xem lại việc rút thời gian đào tạo đại học từ 4 - 6 năm xuống 3 - 5 năm, trong khi khối lượng kiến thức của chúng ta là 120 đến 180 tín chỉ là cho hệ 4 - 6 năm, chứ không phải hệ 3 - 5 năm.
“Chúng ta muốn rút xuống 3 năm như châu Âu, Úc… nhưng đã xem chương trình của họ dạy những gì chưa? Chương trình 3 năm của họ làm gì có các môn Mác - Lê nin. Làm gì có môn tiếng Anh. Làm gì có quân sự, giáo dục thể chất. Chúng ta cứ kêu là sinh viên của chúng ta yếu quá, cần phải tăng kỹ năng mềm, đề nghị đưa cái này cái kia vào, muốn được như người ta làm giáo dục khai phóng, nhưng thử hỏi chúng ta đã xem chương trình của họ thế nào chưa?”, TS Khuyến bức xúc.
Cũng theo TS Khuyến, bản thân việc học các môn kể trên đã mất ít nhất 1,5 năm thì việc rút thời gian đào tạo đại học xuống còn 3 năm không ổn chút nào. "Không thể luật hóa 3 - 5 năm", ông Khuyến bày tỏ quan điểm.
Kết luận hội thảo, PGS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng giải thích theo khung trình độ mà Thủ tướng đã ban hành, thời gian đào tạo đại học từ 3 - 5 năm. Điều này là đi theo hướng của khu vực, phù hợp với chương trình đào tạo đang được áp dụng phổ biến châu Âu, với công thức 3 - 5 - 8, trong đó 3 năm là thời gian đào tạo đại học, đến 5 năm là xong thạc sĩ, đến 8 năm là xong tiến sĩ.
Hiện trong nước, các trường Việt Đức, Việt Pháp thực hiện chương trình đào tạo theo khung đó. Còn với hệ thống giáo dục đại học chung, chỉ cần luật ban hành là có thể chạy khung trình độ 3 - 5 năm.
Nhưng ông Bình cũng chia sẻ với các ý kiến nêu trên, và cho biết: “Còn những vấn đề các thầy cô đặt ra, ví dụ phải có thời gian để học các môn chung bắt buộc, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với bên Bộ GD-ĐT”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.