3 'mũi giáp công' siết chặt vụ Việt Á

14/03/2022 05:30 GMT+7

Các cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ủy ban kiểm tra và thanh tra các cấp đang tạo thành 3 "mũi giáp công" siết chặt vụ kit xét nghiệm Việt Á . Bản chất vụ việc dần được đưa ra ánh sáng.

3 "mũi giáp công"

Ngày 18.12.2021, Bộ Công an công bố thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) khởi tố vụ án vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và một số đơn vị, địa phương liên quan.

C03 khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, cùng một số thuộc cấp; và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương.

Diễn biến chính của vụ Việt Á từ 18.12.2021 tới nay

Ngay sau khi vụ án được công bố, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã yêu cầu Đảng ủy Công an T.Ư, Ban cán sự đảng Viện KSND tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Đồng thời, giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực...

Trong gần 3 tháng qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan thanh, kiểm tra, tố tụng đang dần siết chặt vòng vây, đưa bản chất vụ việc tại Công ty Việt Á ra ánh sáng.

Tới nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ án, bắt tạm giam 28 bị can để điều tra 5 nhóm tội danh, gồm: "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; “đưa hối lộ”; “nhận hối lộ”; “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “tham ô tài sản”.

Các cơ quan chức năng cũng đã thu hồi, kê biên, phong tỏa khoảng 1.600 tỉ đồng liên quan tới vụ việc.

Làm rõ bản chất vụ án

Công ty cổ phần công nghệ Việt Á có trụ sở chính tại TP.HCM và chi nhánh tại một số tỉnh, thành phố, với ngành nghề chính là cung cấp thiết bị, sinh phẩm y tế.

Từ đầu năm 2020, Công ty Việt Á phối hợp cùng Học viện Quân y thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)". Đây được coi là nhiệm quốc gia với sự đặt hàng của Bộ Y tế và Bộ KH-CN là cơ quan quản lý nhà nước đối với đề tài.

Nghiên cứu này đã tiêu tốn ngân sách quốc gia gần 19 tỉ đồng và tạo ra sản phẩm ứng dụng là kit xét nghiệm Covid-19. Trong khi việc chuyển giao ứng dụng cũng như việc đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học chưa được Bộ KH-CN, Bộ Y tế làm rõ thì Công ty cổ Việt Á đã tung sản phẩm ra thị trường với mức giá cao hơn nhiều so với thực tế.

Các "mũi giáp công" siết chặt vụ Việt Á

lê hiệp

Theo Bộ Công an, từ tháng 3.2020 cho đến khi khởi tố vụ án, Công ty Việt Á đã cung cấp cho các bệnh viện, CDC và đối tác ở 62/63 tỉnh thành phố với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng.

Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm, lợi dụng vào tính chất cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Đồng thời, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đổi lại, Công ty Việt Á chi "hoa hồng" cho bên mua, có nơi lên tới 20%. Trong tổng doanh thu từ bán kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt khai đã chi "hoa hồng", "lại quả" cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng, như ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, 27 tỉ đồng, hay đối tác phân phối tại Bắc Giang hơn 44 tỉ đồng...

Với các "mũi giáp công" đang được vây chặt, số tiền "lại quả", "hoa hồng" mà Phan Quốc Việt và Việt Á chi cho các đối tác chắc chắn sẽ sớm được làm rõ trước công luận.

Vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Việt Á qua các con số

lê hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.