3 anh em cùng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19: Có những lúc muốn đổ gục, nhưng…

14/08/2021 08:00 GMT+7

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, cũng là từng ấy thời gian 3 anh em Quách Thiều Minh, Quách Minh Anh, Quách Gia Nghi (đều là sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) không quản ngại ngày đêm, nắng mưa hay nguy hiểm cùng tham gia ở tuyến đầu chống dịch.

“Câu hỏi mình luôn đặt cho bản thân: Mình là một công dân được huấn luyện về kỹ năng y khoa, nếu đẩy lùi dịch bệnh không bắt đầu từ những người như mình, ai sẽ góp sức? Mong muốn dịch bệnh qua đi là điều thôi thúc mình mỗi ngày tham gia hết mình chống dịch”, Quách Thiều Minh (anh cả trong 3 anh em) tâm sự về quyết tâm tham gia chống dịch Covid-19.
Sau khi anh trai tham gia chống dịch, tự thấy đây là việc làm ý nghĩa và cũng là một phần trách nhiệm của những sinh viên y dược, thế là 2 người em của Minh cũng tình nguyện tham gia.

Những trăn trở của bác sĩ Bạch Mai bám trụ TP.HCM chống dịch Covid-19

Đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ

Thiều Minh cho biết ban đầu cũng có nhiều lo lắng trước quyết định tham gia chống dịch. Minh lo sợ bị nhiễm bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình khi trực tiếp tham gia tại những địa điểm nguy cơ cao. Tuy nhiên, Minh cảm thấy việc chống dịch trong giai đoạn dịch đang bùng phát tại TP.HCM là cần thiết, nhất là đối với một sinh viên ngành y. Từ đầu tháng 6, ngay khi TP.HCM kêu gọi sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch đợt đầu tiên, Minh đã lập tức đăng ký.
Những ngày đầu, Minh tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm tại những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm truy vết F0 và F1 trong cộng đồng. Thường công việc này sẽ kết thúc sau 12 giờ đêm, những ngày cao điểm đến hơn 3 giờ sáng mới xong.
“Công việc nhìn chung đa dạng, do mỗi ngày nhóm lấy mẫu sẽ tiếp xúc với nhiều đối tượng và địa phương khác nhau nên phải thích nghi làm việc với từng địa phương. Ngoài công việc chuyên môn, đôi khi một nhóm gồm vài tình nguyện viên phải đảm nhiệm cả những công việc hậu cần, từ chuẩn bị dụng cụ bảo hộ, vật dụng y tế cho đến điều động người dân địa phương có thể lên đến hơn 1.000 người. Thời điểm đầu, nói thật là chúng mình gặp nhiều khó khăn, cả về nhân lực lẫn khối lượng công việc”, Minh kể.
3 anh em cùng ở tuyến đầu1

Minh cùng nhóm khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc xin

Đến cuối tháng 7, khi TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc xin, Minh cũng đảm nhiệm thêm vai trò Đội trưởng của 14 đội hỗ trợ tiêm vắc xin trên địa bàn Q.6. Công việc hằng ngày là chuẩn bị dụng cụ bảo hộ, đo sinh hiệu trước tiêm và theo dõi biến chứng sau tiêm. Thường các địa điểm tiêm hoạt động từ 7 giờ 30 - 17 giờ, một số địa điểm tiêm khác hoạt động buổi tối thì nhóm cũng linh hoạt theo địa phương. Riêng Minh là đội trưởng, đến tối khi công việc tiêm vắc xin đã xong thì còn phải hoàn tất việc báo cáo hoạt động hằng ngày, trao đổi với địa phương để chuẩn bị nhân lực và thiết bị cho công việc sắp tới.

Nếu mình không giải quyết những việc cần làm, dịch bệnh vẫn sẽ còn đó. Nếu mình góp thêm một bàn tay để làm thì mọi việc sẽ xong nhanh chóng hơn được một chút, và cũng chia sẻ được bớt gánh nặng với những người đồng đội

Quách Thiều Minh Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Em trai và em gái của Minh cũng tham gia các công việc tương tự. “Đầu ngày, mình thường tập trung tại Trung tâm phòng, chống dịch Q.5 để chuẩn bị những vật dụng cần thiết rồi lên xe của phường đến địa điểm lấy mẫu. Ở điểm lấy mẫu, nhóm sẽ phải tìm chỗ thích hợp để đặt bàn ghế, khiêng dù... Sau khi bố trí chỗ lấy mẫu, nhóm sẽ phân chia công việc cho từng bạn. Có 4 việc chính là điều phối, lấy mẫu, viết code và test nhanh. Sau khi đã lấy hết mẫu cho mọi người, thường 4 - 7 tiếng, tụi mình sẽ dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn rồi lên xe của phường về lại trung tâm phòng chống dịch”, Quách Minh Anh kể.

Làm sao biết mình từng mắc Covid-19 và tự khỏi | BÁC SĨ ƠI số 6

Nhiều lúc cảm thấy kiệt sức

Chỉ mới là sinh viên năm nhất nên tham gia chống dịch lần này là một trải nghiệm vô cùng đáng giá với Minh Anh: “Khi mình đi lấy mẫu, có hôm trời nắng rất gắt mà khu vực lại không có dù hay mái che, trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, cảm giác không khác gì nồi hơi của tàu hỏa, cứ chực chờ thổi hơi ra thôi. Có hôm thì mưa tầm tã, tụi mình vừa phải lo cho mọi người không bị ướt, lo làm xong nhiệm vụ và cũng lo không để các mẫu test nhanh bị dính nước mưa…”.
Còn với người anh cả Thiều Minh, khó khăn đầu tiên là luôn phải chuẩn bị tinh thần cho việc thay đổi chiến lược chống dịch liên tục để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
3 anh em cùng ở tuyến đầu2

Là sinh viên y dược nên Minh trực tiếp làm công việc lấy mẫu mỗi ngày

“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, mình đã là một người lấy mẫu, một nhân viên hậu cần, một người hỗ trợ tiêm vắc xin, người điều động tình nguyện viên, và cả làm việc chuẩn bị với chính quyền địa phương. Khối lượng công việc rất lớn trong những ngày số ca tăng cao. Có những ngày làm việc trong thời gian dài mà không ăn hay uống nước do cần phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, nên chân tay bủn rủn, người mệt nhoài như muốn đổ gục. Những lúc đó thật sự chỉ muốn được nghỉ ngơi. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ xuất hiện thoáng qua, khi nhìn thấy đồng đội vẫn đang miệt mài với công việc, mình lại quyết tâm phải hoàn thành bằng được nhiệm vụ”, Minh tâm sự.
Minh cũng thú thật là có nhiều lúc cảm thấy kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần. Không chỉ là công việc áp lực, mà đối diện với những cảnh đau thương trong dịch bệnh cũng làm những thanh niên tình nguyện bị ảnh hưởng về tinh thần. Cũng đã có lúc, chàng trai trẻ có suy nghĩ muốn dừng lại. Nhưng rồi trên hết, điều khiến các bạn lo sợ nhất là dịch bệnh còn kéo dài thì những cảnh tượng đau thương ấy sẽ còn tái diễn. Chính vì thế, hơn ai hết và hơn bất cứ lúc nào, khi dịch còn phức tạp thì các bạn lại không cho phép mình được nhụt chí.
“Nếu mình không giải quyết những việc cần làm, dịch bệnh vẫn sẽ còn đó. Nếu mình góp thêm một bàn tay để làm thì mọi việc sẽ xong nhanh chóng hơn được một chút, và cũng chia sẻ được bớt gánh nặng với những người đồng đội”, Minh chia sẻ.
Vì cả 3 anh em cùng tham gia chống dịch nên ba mẹ cũng không tránh khỏi được những lo lắng, nhưng luôn ủng hộ và động viên để các con hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cứ mỗi tối sau một ngày làm việc mệt nhoài, trở về nhà, 3 anh em Minh lại kể cho nhau nghe về tình hình chống dịch Covid-19 ở địa điểm mình đang đảm trách, rồi cùng nhắc nhau bảo vệ an toàn cho bản thân để có sức khỏe còn tham gia chống dịch đến cùng, đến khi nào thành phố được yên bình trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.