2,7 triệu khách tới ĐBSCL nhờ du lịch liên kết

Gia Bách
Gia Bách
10/12/2023 19:19 GMT+7

Các chương trình du lịch liên kết TP.HCM và ĐBSCL về trải nghiệm văn hóa sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam bộ thu hút hơn 2,7 triệu lượt khách.

Ngày 10.12, UBND tỉnh Cà Mau và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức hội nghị "Tổng kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL" với chủ đề "Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững".

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM thông tin, năm 2023, lượng khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế trong trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam bộ, được khai thác chủ yếu bởi các doanh nghiệp du lịch - lữ hành tại TP.HCM với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực ĐBSCL. 

Cần xác định rõ không gian liên kết phát triển du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL - Ảnh 1.

Khu khách tham quan Mũi Cà Mau

Minh Triết

Tuy nhiên, một số nội dung trọng tâm như kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến quốc tế mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; xây dựng website quảng bá du lịch chung cho cả vùng, hội nghị kích cầu về du lịch vùng... chưa thực hiện được do ảnh hưởng của các nội dung chuyên môn khác và công tác phối hợp.

Ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Khu vực Tây Nam bộ, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, đánh giá: Thông tin về các điểm khảo sát còn khá ít. Các địa phương cần cung cấp thêm hình ảnh, thông tin; cần chính sách giá kích cầu đủ mạnh để tạo sức hút đối với du khách.

Ông Lê Thanh Phong, Phó giám đốc Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thì nhận xét: Du lịch của vùng vẫn còn tồn tại nhiều năm chưa khắc phục được như sản phẩm các địa phương phát triển chủ yếu dựa theo không gian, tài nguyên du lịch na ná giống nhau, sản phẩm du lịch cũng giống nhau, tính đặc thù chưa cao. Trong vùng, chỉ có Phú Quốc (Kiên Giang) là nổi bật nhất, đạt đẳng cấp quốc tế.

Cũng theo ông Phong, điểm nghẽn lớn nhất là tiếp cận điểm đến còn nhiều giới hạn, nhất hạ tầng giao thông nên khó kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực. Vì vậy, hướng tới cần xác định rõ không gian liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Trong liên kết vùng, TP.HCM hỗ trợ xây dựng tài nguyên và sản phẩm du lịch. Mỗi địa phương ít nhất phải có một điểm du lịch đặc thù để du khách nhớ đến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian qua, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sáng tạo, thúc đẩy du lịch vùng có nhiều chuyển biến, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch và tạo ra những giá trị khác biệt của thị trường du lịch nội địa và quốc tế.

Cần xác định rõ không gian liên kết phát triển du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL - Ảnh 2.

Sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL giống nhau, tính đặc thù chưa cao

Minh Triết

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch TP.HCM cam kết, TP.HCM cố gắng hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL thông qua công nghệ thông tin giới thiệu một cách trực quan, hiệu quả đến du khách các nước. Không giới thiệu đại trà mà có định hướng vùng, giới thiệu những sản phẩm, điểm đến độc đáo. Tạo thuận lợi nhất để khách du lịch thoải mái và chi tiêu. Mời khách đến thì cần có giải pháp giữ được du khách, làm cho du khách hài lòng. Muốn làm được như vậy cần nâng cao được chất lượng dịch vụ.

Định hướng các nội dung liên kết trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức mong rằng, ngành du lịch phối hợp với các sở, ngành có liên quan có những biện pháp, chiến lược thu hút khách du lịch. Khi khách du lịch đến, dịch vụ và mảng khác phát triển theo. Qua đó, cần có những đầu tư tương xứng để du lịch phát triển.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.