25 năm ‘Dưới ánh đèn sân khấu’ của ‘sầu nữ phòng trà’ Hương Giang

29/07/2023 08:30 GMT+7

Trò chuyện với khán giả trong đêm nhạc đánh dấu 25 năm ca hát, ca sĩ Hương Giang thổ lộ, Dưới ánh đèn sân khấu (Hứa Kim Tuyền) như bài hát được viết riêng cho mình...

"… Dưới ánh đèn sân khấu có nốt nhạc bay lên

Có những kỷ niệm bay lên 

Có những nỗi niềm riêng

Gom thành một câu hát chạy thẳng vào tim

Có những lúc cười hân hoan

Có những lúc buồn miên man

Có những lúc hoang tàn

Gom thành một câu hát chạy thẳng vào tim…".

25 năm ‘Dưới ánh đèn sân khấu’ của ‘sầu nữ phòng trà’ Hương Giang  - Ảnh 1.

Đêm nhạc diễn ra tại nhà hát nhưng không khí gần gũi, thân tình như phòng trà

Maison de Bil

Live show Một nửa của ca sĩ Hương Giang – người được mệnh danh là "sầu nữ phòng trà" (diễn ra tại Nhà hát VOH Music One, TP.HCM tối 28.7) đánh dấu hành trình 25 năm bước chân vào nghiệp hát của chị. Tên gọi của đêm diễn như một "ẩn dụ" về một nửa chặng đường mà Hương Giang đã đi qua cũng như mong ước "được hát ít nhất 25 năm nữa, đến 70 tuổi như các nữ danh ca" – chị thổ lộ.

25 năm ‘Dưới ánh đèn sân khấu’ của ‘sầu nữ phòng trà’ Hương Giang  - Ảnh 2.

Hương Giang vẫn tự trò chuyện, chia sẻ trước mỗi nhạc phẩm sẽ trình diễn. Cô pha trò tự nhiên như buổi gặp gỡ với những người thân quen, thường xuyên hỏi MC, ban nhạc hát tiếp bài gì...

Maison de Bil

Ca sĩ Hương Giang lấy mốc vào nghề từ năm 1997 khi chị đoạt giải ba Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1997, giải tư Tiếng hát truyền hình toàn quốc cùng năm. Bản năng âm nhạc trong người phụ nữ này khá mạnh khi trước năm 22 tuổi, một nốt nhạc bẻ đôi cô cũng không biết (như cô chia sẻ), vậy mà chỉ cần 3 tháng luyện thanh nhạc với giảng viên – ca sĩ Hoài Nam đã đủ để Hương Giang bước vào từng ấy cuộc thi ca hát chuyên nghiệp và giành giải thưởng tốp đầu.

Sau các giải thưởng, cô chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Hương Giang từng được mời ghi âm, xuất hiện trong một số CD hợp tuyển của các hãng đĩa vào cuối những năm 1990 bên cạnh Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… Sở hữu một giọng hát lạ và hay, tuy nhiên, cô ý thức được sắc vóc của mình không cạnh tranh lại nhiều người, gia cảnh cũng không phải giàu có để có thể đầu tư nhiều vào con đường của một ca sĩ đại chúng, thêm tính cách hơi… ương ngạnh, an phận, ngại bon chen…, Hương Giang trở thành một ca sĩ phòng trà - điều cô cho là thật sự phù hợp với con người của mình.

25 năm ‘Dưới ánh đèn sân khấu’ của ‘sầu nữ phòng trà’ Hương Giang  - Ảnh 3.

Trong sự nghiệp, Hương Giang từng được các nhạc sĩ gửi khoảng 20 ca khúc về mẹ cho mình, nhưng trong đêm này cô chọn sáng tác của Vũ Minh Đức - Lặng lẽ mẹ tôi vì "da diết và không bi thương"

Và Hương Giang đã nổi tiếng khắp các phòng trà TP.HCM! Dù vậy, khán giả nói chung có phần xa lạ với cô cho đến khi Hương Giang xuất hiện trong LP Lặng lẽ tiếng dương cầm (2014) – tuyển tập nhạc Nguyễn Ánh 9. Bởi vì cô hát quá hay nên cái tên Hương Giang bắt đầu được chú ý hơn, giới nghe nhạc hi-end bắt đầu "truy lùng" cô, nhà sản xuất thì tiếp tục mời Hương Giang xuất hiện trong hàng loạt những dự án LP sau đó. Đặc biệt, vừa rồi cô còn được đầu tư riêng hẳn một LP riêng có tên Một đời yêu anh do Gia Định Audio và nhạc sĩ Đức Trí sản xuất – vinh dự mà không phải ca sĩ nào cũng có được cũng như đủ khả năng để thực hiện. Trước đó, Hương Giang cũng từng phát hành 3 CD riêng theo ba phong cách khác nhau: nhạc trẻ (Một ngày mới), bolero (Ai cho tôi tình yêu) và nhạc xưa (Hoài cảm).

Biểu diễn cùng 2 khách mời - 2 giọng ca nam: Duy Hưng (có màu cảm xúc giống Hương Giang) và Trọng Bắc (kết hợp rất ăn ý với cô).

Trong đêm nhạc kỷ niệm 25 năm ca hát, cô mở rộng "địa bàn hoạt động" của mình từ phòng trà sang một sân khấu lớn vừa phải để những khán giả trung thành của Hương Giang có dịp được thưởng thức phần biểu diễn của mình một cách trọn vẹn hơn. Cô trình bày 25 ca khúc (do nhạc sĩ Quốc Nguyễn - giám đốc âm nhạc - phối mới) mà giọng hát không hề suy suyển. Bên cạnh sở trường nhạc xưa với những bài hit phòng trà của mình như: Một cõi tình phai, Biết bao giờ trở lại, Kiếp nghèo, Hối tiếc…, Hương Giang còn đưa khán giả trở về với thời tuổi trẻ của mình với chùm ca khúc Điệp khúc tình yêu, Đánh mất mà những năm 1990, cuộc thi tiếng hát truyền hình nào cũng có người chọn để dự thi, hay những câu chuyện bên lề của Ru khúc tàn phai và mối lương duyên với nhạc sĩ Trần Thiết Hùng, về quãng thời gian mới đi hát phòng trà với âm nhạc Phú Quang nhưng chưa bao giờ dám hát Khúc mùa thu

Các con của Hương Giang biểu diễn và chúc mừng đêm nhạc của mẹ

25 năm ‘Dưới ánh đèn sân khấu’ của ‘sầu nữ phòng trà’ Hương Giang  - Ảnh 6.

Khoảnh khắc hạnh phúc của Hương Giang khi được các đồng nghiệp mang bánh kem lên sân khấu chúc mừng...

Maison de Bil

Hương Giang khép lại Một nửa bằng một màn trình diễn viên mãn và lay động cùng Dưới ánh đèn sân khấu. Ca khúc có tuổi đời nhỏ nhất trong đêm nhạc, là một sáng tác của nhạc sĩ trẻ Hứa Kim Tuyền. Hương Giang chia sẻ: "Lần đầu nghe được ca khúc, tôi xúc động thật sự vì tìm thấy chính bản thân mình trong lời hát. Tôi hiểu vì sao mình đam mê và sống được với cái nghề này trong từng ấy năm qua. Tôi thích bài hát đến nỗi gọi cho người sáng tác để xin trình bày bằng được trong đêm nhạc kỷ niệm này". Nghe Hương Giang hát Dưới ánh đèn sân khấu, khán giả như thấy một Hương Giang không còn "dâng tiếng hát cho người người…" nữa mà hát cho mình – một ca sĩ đam mê và hết lòng với nghiệp hát, như chính lời hát trong nhạc phẩm cô chọn dự thi năm xưa: "Hãy hát lời lửa cháy bằng trái tim yêu thương, hãy hát lời yêu thương bằng lửa cháy trong ta...".

Cuối đêm nhạc, Hương Giang được các đồng nghiệp mang bánh kem lên sân khấu chúc mừng. Khán giả cũng đồng thanh hát cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình tặng Hương Giang ca khúc Happy birthday. Chị nghẹn ngào chia sẻ: "Đây là sinh nhật hạnh phúc nhất của tôi".

‘Sầu nữ phòng trà’ Hương Giang: ‘Tôi muốn có một phòng trà của riêng mình’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.