24 chung cư ở TP.HCM chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động

Trần Duy Khánh
Trần Duy Khánh
02/11/2023 16:06 GMT+7

TP.HCM có 531 chung cư vẫn còn tồn tại một số vi phạm về PCCC như hệ thống PCCC không hoạt động, không đảm bảo điều kiện thoát nạn... Trong đó, 24 chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động

Sáng 2.11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Chỉ thị số 04 của UBND TP.HCM và quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy TP.HCM về tăng cường công tác PCCC - cứu nạn cứu hộ trên địa bàn TP.HCM.

Tham dự hội nghị có ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng; Phó giám đốc Công an TP.HCM; đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) và lãnh đạo các đơn vị liên quan.

24 chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động ở TP.HCM - Ảnh 2.

Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị

TRẦN DUY KHÁNH

Theo báo cáo của đại tá Huỳnh Quang Tâm, trên địa bàn TP.HCM có 1.049 chung cư. Trong đó có 531 chung cư vẫn còn tồn tại một số vi phạm về PCCC.

Cụ thể, có 95 chung cư không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy, 120 chung cư không đảm bảo giải pháp ngăn cháy, 188 chung cư không đảm bảo điều kiện thoát nạn, 249 chung cư có hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo và 121 chung cư có các vi phạm khác.

Đáng chú ý, trong số những chung cư vi phạm có 24 chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan có thẩm quyền đã tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các bộ phận hoặc toàn bộ đối với 14 chung cư.

Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, trong 5 năm qua, TP.HCM xảy ra 1.532 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng hơn 85 tỉ đồng.

Theo thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, các lực lượng liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình có nguy cơ cháy nổ như nhà cao tầng, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, quán bar, karaoke... Các cơ quan chức năng cần rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Tại hội nghị, đại tá Huỳnh Quang Tâm nêu thực trạng, quá trình tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, phổ biến pháp luật, công tác kiểm tra an toàn PCCC tại nhà ở, nhà trọ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, chung cư... vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, một số hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh có mặt bằng nhỏ hẹp, thường sử dụng ki ốt cho thuê hoặc nhà ống đã xây dựng từ nhiều năm trước để hoạt động. Việc kiến nghị mở thêm lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp không thể thực hiện do không còn không gian để mở lối thoát nạn thứ 2, hoặc không thể trổ mái, qua ban công, lô gia để qua nhà bên cạnh an toàn.

24 chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động ở TP.HCM - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra Công an TP.HCM phát hiện nhiều sai phạm về PCCC tại tòa nhà ở Q.11 (Ảnh chụp ngày 17.10)

TRẦN DUY KHÁNH

Đặc biệt, trong quá trình sử dụng, người dân tự ý cơi nới, cải tạo không đảm bảo theo giấy phép xây dựng và ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC của công trình.

Nhiều người dân tại một số nhà chung cư, nhà cao tầng tự ý cơi nới như: xâm lấn hành lang, lối đi chung, bố trí bãi giữ xe trên đường đi nội bộ và xung quanh công trình ảnh hưởng đến yêu cầu về khoảng cách phòng cháy chống cháy...

Cũng theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, nhiều trang thiết bị, phương tiện PCCC - cứu nạn cứu hộ và vật tư kỹ thuật đã cũ, xuống cấp nhưng vẫn phải tận dụng khai thác, dẫn đến việc thường xuyên hư hỏng, sửa chữa không kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tại một số đơn vị có nhiều xe chữa cháy nhưng do hư hỏng nên chỉ đưa vào thường trực được 1 - 2 xe chữa cháy.

Lập danh sách 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo các đơn vị nắm tình hình, điều tra cơ bản, lập danh sách 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định.

Hướng dẫn nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt...).

Tổ chức, xây dựng và nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, theo phương thức tự trang bị chuông báo cháy, phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn cứu hộ tại hộ gia đình.

Kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư để yêu cầu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và cứu nạn cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị.

Theo ông Ngô Minh Châu, hiện nay xuất hiện loại hình nhà ngăn phòng, căn hộ (các công trình này đều được cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ) cho thuê trong thời gian ngắn hạn (3 tháng - 1 năm). Các công trình này có quy mô số tầng, số phòng, căn hộ cho thuê lớn, tập trung đông người. Thực tế hiện nay nhu cầu người dân sử dụng loại hình này rất lớn, do đó về lâu dài cần thiết phải ban hành quy định riêng để hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể đối với loại hình này để đảm bảo an toàn PCCC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.